Cần thiết phải xây dựng
Mới đây, ngày 06/01/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp, nghe UBND tỉnh báo cáo việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (Tờ trình số 02/TTr-UBND, ngày 04-01-2017). Sau khi thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo nêu rõ: “Việc quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhằm từng bước hoàn thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, đáp ứng nhu cầu mai táng của nhân dân, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Địa điểm thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc theo đề nghị của UBND tỉnh…”
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 13/01/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số 342/UBND-CN1 giao cho Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục có liên quan về quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo theo quy định của pháp luật.
Theo đó, việc quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là phù hợp so với Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, tại tại Mục g, Khoản 8, Điều 1 với nội dung “Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030” có nêu rõ việc xây dựng nghĩa trang tại Vĩnh Phúc: “Nhu cầu xây dựng đến năm 2030 là 200ha; Địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam đảo 100 hecta; Khu vực huyện Bình Xuyên 100 hecta".
Phù hợp với xu hướng phát triển
Xây dựng nghĩa trang tập trung và chôn cất người quá cố ở các công viên nghĩa trang là một hình thức an táng tiên tiến mà hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng hàng chục, thậm chí cả trăm năm nay.
Hình thức này sẽ hạn chế được việc lãng phí nguồn đất, hạn chế ô nhiễm môi trường, do khi hỏa táng đã có hệ thống công nghệ xử lý khí, khói hiện đại. Khi chôn cất, hố đã được xây bằng bê tông, xi măng, nên hạn chế tối đa việc thẩm thấu chất thải xuống lòng đất, do đó hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm nguồn nước, không khí….
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng như một số tỉnh khác, đã có quy hoạch và đầu tư xây dựng nhưng hầu hết các nghĩa trang còn lại là các nghĩa địa có từ trước, không có quy hoạch chi tiết xây dựng, không được đầu tư xây dựng theo đúng quy định , không đảm bảo vệ sinh môi trường làm ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc, lãng phí tài nguyên đất đai.
Ở khu vực nông thôn, đa phần các nghĩa địa phát triển tự phát, nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu của nếp sống mới. Mọi công việc từ bố trí nơi chôn cất, chọn vị trí đặt mộ, hướng mộ đều do thân nhân người mất lựa chọn. Việc sử dụng đất nghĩa địa hoàn toàn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu là địa táng mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh và công trình hạ tầng. Có nghĩa địa và khu dân cư chưa được phân định rõ ràng, nhiều hộ gia đình sinh sống gần sát nghĩa địa, giếng nước, nhà vệ sinh nằm cận kề khu mai táng. Trong khi đó, địa táng có tác động đến môi trường đất, không khí, nước ngầm trong quá trình phân hủy chất hữu cơ trong mộ táng.
Tại thành phố Vĩnh Yên, khu nghĩa trang rộng tới 12 ha nhưng hiện tại nghĩa trang này lâm vào tình trạng quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh. Mặc dù UBND thành phố đã có chủ trương đóng cửa nghĩa trang này nhưng do nhu cầu bức thiết về nơi chôn cất nên người dân vẫn tiếp tục việc xây dựng mồ mả khiến nghĩa trang càng trở nên chật chội.
Như vậy, việc chủ trương quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) của Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là đúng đắn, cần thiết, đáp ứng nhu cầu mai táng của nhân dân, hạn chế ô nhiễm môi trường. Địa điểm thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt theo Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Thanh