Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011. Chương 2, Điều 3 của Nghị định này có quy định: Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT quy định.

Nghị định này còn quy định, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định của Bộ TT&TT khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp. Điều khoản này trước mắt sẽ tác động trực tiếp đến mô hình tổ chức của VNPT.

Hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone. Như vậy, theo Nghị định này VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần một trong hai mạng di động này. Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán mô hình nào phù hợp cho mình.

Hiện VNPT mới rậm rịch cho việc cổ phần hoá MobiFone. Nếu MobiFone cổ phần hoá, VNPT cũng không được nắm giữ quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của MobiFone. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khoẻ” của VNPT. MobiFone hiện chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng lại đang chiếm khoảng 50% lợi nhuận của tập đoàn này. Kịch bản này sẽ khó lòng được người cầm trịch của VNPT lựa chọn bởi MobiFone vẫn là nguồn “cơm áo, gạo, tiền” của tập đoàn này.

Kịch bản thứ hai được nhắc đến là VNPT sẽ hợp nhất hai mạng di động MobiFone và VinaPhone trở thành một mạng di động. Trên thực tế, việc hợp nhất mạng lưới cũng không phải là vấn đề khó khăn đối với kịch bản này. Thế nhưng, cả MobiFone và VinaPhone đang là hai thương hiệu mạnh trên thị trường. Trong trường hợp VNPT hợp nhất hai mạng di động, VNPT sẽ phải phế đi một thương hiệu và đương nhiên VNPT không hề mong muốn điều này.

Quỳnh Anh (TH)