Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng. Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại, vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng bị viêm sưng, đỏ. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.
Viêm amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai - mũi - họng, bệnh thường tái đi tái lại, dễ biến chứng. Vậy chúng ta có nên cắt amidan?
Không cứ viêm amidan là phải cắt
Không ít trường hợp thấy con bị viêm amidan vài lần là cha mẹ đến bác sĩ đòi cắt để khỏi bị viêm. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn. Thực tế, chỉ định cắt amidan là rất hạn chế sau khi các bác sĩ khám phá ra các lợi ích của amidan đối với cơ thể. Số bệnh nhân viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Chỉ bệnh nhân bị viêm nhiễm nhiều, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể, mới nghĩ đến cắt bỏ. Khi bị viêm amidan người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amiđan nếu cần thiết.
Lưu ý: Cắt amidan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân: gây mê, cắt không đúng kỹ thuật (cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được), bệnh nhân có rối loạn đông máu. Chính vì vậy, trước khi cắt, bệnh nhân phải được làm các xét nghiệm rất kỹ về các chức năng gan, thận và đông máu để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Nếu có chỉ định, bệnh nhân nên phẫu thuật tại các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng, không nên phẫu thuật ở phòng khám tư, rất dễ gặp sự cố.
Sau phẫu thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng. Sau cắt amidan từ 7-10 ngày nếu có chảy máu, cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amidan, bởi trẻ dưới 5 tuổi cắt amidan có thể ảnh hưởng khả năng miễn dịch, còn người trên 45 tuổi cắt amidan dễ bị chảy máu do amidan xơ dính hoặc có các bệnh khác kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...
Chỉ cắt amidan trong những trường hợp sau:
Viêm amidan nhiều đợt cấp, từ 5-6 lần trong một năm. Viêm amidan gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.
Trường hợp amidan có kích thước quá to, gây cản trở ăn uống, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh... thì cũng nên cắt.
Ngoài ra, amidan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa viêm amidan hiệu quả, cần giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hầu họng, thăm khám sớm khi có các dấu hiệu của bệnh. Viêm amidan do virus thường thuyên giảm sau vài ngày tự chăm sóc và nghỉ ngơi tại nhà. Nếu tình trạng không được cải thiện mà ngày càng nặng hơn, hoặc các triệu chứng nghiêm trọng đến mức không thể ăn uống được thì tốt nhất bạn nên đi khám.
Thành An