Năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT rút giấy phép sản xuất đối với sản thuốc diệt chuột Biorat. Tuy nhiên, vừa qua, T.P Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại sử dụng hàng tấn sản phẩm này cho chiến dịch diệt chuột năm 2021 trên địa bàn.

Sử dụng vì… mối quen

Theo giới thiệu trên một số website, Biorat là “đứa con tinh thần” của nhà sản xuất Bio Việt Nam dựa trên công nghệ vi sinh tiên tiến nhất của Cuba. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học Cuba đã phát hiện ra một số loài vi khuẩn gây bệnh cho chuột theo cách thức làm cho chúng rơi vào trạng thái tương tự như sốt virút ở người. Cụ thể hơn nữa, thành phần chủ yếu của thuốc diệt chuột sinh học Biorat là lúa hấp (chiếm đến 98,7%) cùng với các loại vi khuẩn đơn bào (vi khuẩn Salmonella) gây bệnh ở chuột mà khi ăn phải - chuột sẽ bị sốt thương hàn và vài ngày sau đó sẽ chết.

Giới thiệu của nhà sản xuất cho thấy kết quả thu được từ việc sử dụng thuốc diệt chuột sinh học Biorat tại Cuba, 100% chuột chết do ăn phải bả, 40% số chuột trong đàn không ăn cũng chết do lây nhiễm qua phân, nước tiểu của những con chết. Một số cũng nhận định rằng, sự lây nhiễm sẽ là “con đường hủy diệt” nhanh nhất, triệt để nhất.

Tại T.P Thanh Hóa, việc sử dụng loại thuốc này cũng đã diễn ra 10 năm nay trước khi sản phẩm này bị cấm. Tuy nhiên, cán bộ Ngành Y tế khi tham mưu cho chiến dịch diệt chuột của thành phố lại không cập nhật kịp thời sản phẩm đã cấm lưu hành ở Việt Nam.

Ông Lê Văn Hùng - Trưởng phòng Y tế T.P Thanh Hóa cho biết: Việc sử dụng sản phẩm thuốc diệt chuột Biorat là theo mời chào của nhà cung cấp. Sản phẩm này do Công ty Nông Thương ở Hà Nội (có chi nhánh tại T.P Thanh Hóa) giới thiệu bán và đơn vị này là “mối quen” từ lâu nay.

Báo cáo của Trung tâm Y tế T.P Thanh Hóa cho thấy, số lượng nhập để diệt chuột trong đợt vừa qua khoảng 7,8 tấn. Tuy nhiên, sau khi có thông tin cảnh báo từ Chi cục trồng trọt và BVTV Thanh Hóa về sản phẩm thuốc diệt chuột Biorat không nằm trong danh mục sản phẩm được phép lưu hành ở Việt Nam, nhưng T.P Thanh Hóa vẫn cho tiến hành sử dụng. Về vấn đề này, theo giải thích của T.P Thanh Hóa là do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bên, khiến cho ngày 15-1-2021, chiến dịch diệt chuột bằng sản phẩm Biorat vẫn diễn ra trên toàn thành phố theo như kế hoạch đã ban hành.

Ngày 16-1-2021, T.P Thanh Hóa mới cho dừng việc sử dụng và tiến hành thống kê số lượng thuốc đã đưa vào diệt chuột.

Theo báo cáo, số mồi diệt chuột đã sử dụng ngày 15-1-2021 là 1.547kg, số còn lại là 6.271kg chưa sử dụng đã được thu lại và tổ chức tiêu hủy tại chỗ bằng hình thức chôn lấp, phun khủ khuẩn cloraminB và rắc vôi bột…

Cấm vì… không an toàn cho nông sản xuất khẩu?

Ở nước ta, Biorat chính thức được Công ty Bio Việt Nam tại Khu công nghiệp Trà Nóc (T.P Cần Thơ) sản xuất vào năm 1999. Từ giữa năm 2000 đến khi bị cấm, ngoài ĐBSCL, sản phẩm Biorat còn có mặt tại thị trường ở miền Trung, miền Bắc và T.P Hồ Chí Minh.

Theo một số nghiên cứu cho thấy việc thử nghiệm bằng đường miệng vi khuẩn Salmonella enteritidis dòng Danysz, lysine (-) phage type 6 không thể hiện bất kỳ tác dụng gây bệnh ở người. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh Biorat chỉ gây nhiễm đối với chuột và hoàn toàn vô hại với môi trường, con người và các loài động vật khác.

Tuy nhiên, Cục BVTV cho rằng việc rút giấy phép đăng ký sản phẩm Biorat vì có chứa vi khuẩn Salmonella và được căn cứ trên Điều 49 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Điều 6 Thông tư 21 ngày 8-6-2015 của Bộ NNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Cơ quan này cũng cho rằng, các tài liệu nghiên cứu và công bố của tổ chức quốc tế đã đánh giá về nguy cơ và khuyến cáo không thương mại đối với các sản phẩm có chứa vi khuẩn Salmonella enteritidis. Tài liệu màCông ty Bio Việt Nam cung cấp hồi đầu tháng 5-2018 về tình hình sử dụng sản phẩm Biorat tại Việt Nam, theo Cục BVTVlà chưa đủ căn cứ để khẳng định sản phẩm có chứa Salmonella enteritidis đảm bảo an toàn cho con người và động vật máu nóng.

Đáng chú ý, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế còn cảnh báo việc không sử dụng các sản phẩm trừ chuột có chứa vi khuẩn Salmonella enteritidis, bởi một khi mặt hàng nông sản nào đó bị nhiễm vi khuẩn này sẽ khó có thể xuất khẩu. Phải chăng, đây là một trong nguyên nhân sản phẩm thuốc diệt chuột Biorat không nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, nhưng tại sao T.P Thanh Hoá vẫn sử dụng là dấu hỏi cần được làm sáng tỏ!

Doanh Chính