Túi nilon vứt tràn lan bên vệ đường.
Trong những năm gần đây, thay vì thói quen mua hàng hóa tại các chợ truyền thống, gia đình tôi chuyển qua mua sắm tại các siêu thị, trung tâm mua sắm với lý do đơn giản rằng, dẫu rau quả, thực phẩm, hàng hóa các loại bán tại siêu thị, trung tâm mua sắm đắt hơn so với chợ truyền thống, nhưng chất lượng, sự an toàn vệ vệ sinh thực phẩm có phần an tâm hơn vì hàng hóa có ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như nguồn gốc xuất xứ...
Có một điều tôi nhận thấy trong những lần đi mua hàng ở siêu thị, trung tâm mua sắm là: Khi khách thanh toán tiền, nhân viên thu ngân thường dùng rất nhiều các loại túi nilon với kích cỡ to, nhỏ khác nhau để đựng hàng hóa cho khách. Mỗi món hàng, sau khi máy soi tính tiền xong, nhân viên lại bỏ vào một bao túi nilon tùy theo kích cỡ của món hàng ấy ra sao. Cuối cùng, nhân viên rút một chiếc túi nilon lớn rồi bỏ tất cả các túi đựng hàng vào đó để người mua xách mang về. Nói chung, cứ mỗi lần đi mua sắm như thế, người tiêu dùng ít nhất cũng "sở hữu" khoảng dăm, bảy chiếc túi nilon; người mua nhiều hàng hóa, với các món đồ khô, ướt khác nhau thì việc họ cần tới cả chục chiếc túi nilon cũng không phải là hiếm... Túi nilon được tiêu thụ quá nhiều như vậy nên việc một siêu thị, hay trung tâm mua sắm mỗi ngày cần tới cả triệu chiếc túi nilon là quá thực tế?! Ví dụ, có lần tôi mua vài món rau, thịt, cá, và những món hàng đồ hộp, đồ khô... khác nhau, vì thế mà nhân viên tính tiền cứ tương ứng mỗi một món hàng là lại cho kèm vào 1 chiếc túi nilon, bởi các món hàng hóa không thể để chung với nhau, nhất là các loại thực phẩm kho - ướt, hay hàng tanh hôi..., vì vậy nhất thiết phải để mỗi loại hàng hóa vào một bao gói riêng!
Đành rằng, việc để riêng hàng hóa vào mỗi túi riêng như vậy là cần thiết, thế nhưng có điều tôi, cũng như nhiều người luôn băn khoăn và đặt ra câu hỏi là tại sao các siêu thị, trung tâm mua sắm lại không chuyển qua việc dùng các túi bằng giấy, hay các chất liệu khác thân thiện với môi trường để đựng hàng hóa, bởi như chúng ta biết trong những thập kỷ trở lại đây không riêng gì nước ta, mà cả thế giới đều đang lo ngại về vấn nạn túi nilon cũng như những ảnh hưởng dài lâu của nó tới đất, nguồn nước cũng như môi trường sống. Chính vì những lo ngại đó mà tại nhiều nước đã đưa ra các chiến dịch tẩy chay túi nilon bằng rất nhiều hình thức như: Đánh thuế thật cao mặt hàng này; bắt người tiêu dùng phải trả tiền khi có yêu cầu dùng túi nilon... Theo như tôi biết, ở Việt Nam những năm gần đây, các cơ quan chức năng cũng từng hô hào, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nhưng kết quả thì vẫn chẳng đi đến đâu, bởi đại đa số người dân vẫn chỉ nhìn thấy cái "tiện" của mặt hàng túi nilon chứ chưa nhìn thấy cái "hại" của nó về lâu dài với môi trường để mà từ bỏ hay hạn chế sử dụng...
Thiết nghĩ, để thay đổi dần dần thói quen sử dụng túi nilon của người dân thì chính các siêu thị, trung tâm mua sắm cần phải là những nơi đi đầu trong việc hạn chế dùng loại túi này, mà nên chuyển qua dùng thật nhiều hơn nữa các túi giấy, các bao bố, giỏ bằng chất liệu thực vật thân thiện môi trường như mây, cói, tre, nứa, lục bình... để đựng hàng cho khách. Ngoài ra, việc tăng cường nhận thức đối với người dân về một môi trường xanh - sạch - đẹp thì các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và tiêu dùng túi nilon - đánh thuế thật cao mặt hàng này. Xử lý triệt để vấn đề túi nilon từ nhận thức đến hành động, từ gần như miễn phí đến việc phải bỏ tiền túi ra trả phí đắt đỏ cho túi nilon… thì mới có thể nhìn thấy những khả quan trong việc kêu gọi toàn dân nói không với túi nilon - thủ phạm không nhỏ đang tàn phá môi trường hằng ngày.
Bài và ảnh: Đặng Đức