Trước đây có nhiều cầu thủ lạm dụng tiểu xảo làm chậm nhịp độ trận đấu, thậm chí cả đội cùng “câu giờ” khi đang dẫn trước. Nhưng mùa tới, việc các cầu thủ câu giờ có thể khiến họ bị treo giò ở các lượt trận tiếp theo. Điều này được ghi rõ trong điều 45 về Hành vi câu giờ. Cụ thể: “Phạt 3.000.000đ và có thể bị đình chỉ thi đấu ít nhất là một trận đối với cầu thủ trong thi đấu có hành vi cố tình giả vờ đau, chuột rút, chỉnh đốn lại trang phục hay nhường quyền ném biên, đá phạt và các biểu hiện khác nhằm mục đích trì hoãn, chậm đưa bóng vào cuộc, kéo dài thời gian bóng chết, câu giờ mà trước đó đã bị trọng tài nhắc nhở hoặc tái phạm nhiều lần.

Căn cứ theo quy định mới thì nếu các cổ động viên ném vật lạ xuống sân là lệnh đóng cửa sân hay chuyển sang sân trung gian sẽ được thực hiện. Khoản 2, điều 64 về “Vi phạm an ninh, an toàn tại trận đấu” quy định: « Cảnh cáo và phạt tiền từ 15.000.000đ đến 25.000.000đ nếu BTC trận đấu không kịp thời can thiệp để xảy ra tình trạng đốt lửa, đốt pháo (bất kể loại pháo nào) trong sân vận động hoặc các sự việc khác làm hoang mang hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khán giả, đội bóng. Nếu tái phạm, CLB, đội bóng có thể phải thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc rời đến sân trung gian ».

Điều 67 quy định: “Cổ động viên của CLB, đội bóng nào vi phạm kỷ luật, gây rối làm mất trật tự công cộng, gây mất an ninh, an toàn trước, trong và sau trận đấu, làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chuyên môn trận đấu thì: 1) Cá nhân, tập thể đó có thể bị cấm có thời hạn hoặc cấm vĩnh viễn vào sân vận động…

Quỳnh Anh (TH)