-
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình- Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam- các từ thấu cảm, trắc ẩn đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học- NXB Đà Nẵng 2015, 2017).
Thế là về lý, từ thấu cảm không phải là “không có trong mọi cuốn từ điển nào”, cho nên tác giả Đặng Hoàng Giang không có lỗi khi dùng từ này trong sách của mình. Tuy nhiên, dùng từ này vào thi cử thế nào, lại là chuyện khác.
Để có một đề thi ngữ văn THPT tốt, có lẽ là ta rất không nên dùng các từ vốn “ít được dùng”, “có thể còn hơi lạ” (PGS.TS Phạm Văn Tình- Zing.vn), vì ta phải tìm cách giúp cho tuyệt đại đa số học sinh THPT nhanh chóng hiểu rõ đề, rồi thành bại của họ là ở chỗ, có thể hiện được “văn tài” của mình ở bài làm, theo yêu cầu tốt nghiệp THPT vốn cao vừa phải, trong thời gian 120 phút kia, hay không? Do đó, đề thi phải không được làm đa số các em, chỉ vì “vấp” phải một vài từ lạ, mà không còn đủ thời gian thi thố nữa; vả lại, đề thi tốt nghiệp THPT càng không nhằm làm cho một số ít học sinh “có cảm quan ngôn ngữ tốt ghi điểm” (nguồn đã dẫn), vì nếu có cái mục đích ấy, thì đó đã là thi học sinh giỏi văn rồi mà không còn là thi tốt nghiệp THPT quốc gia/đại trà nữa.
Xin tạm lấy một ví dụ khác! Một bếp trưởng cao cấp, quát các đầu bếp của mình rằng: “Không phải là tốt, không phải là xuất sắc, mà phải là hoàn hảo, thì mới được trao món ăn cho thực khách”. PGS.TS Phạm Văn Tình, khi nói “Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang là văn bản chấp nhận được”, e là đã hơi coi nhẹ việc ra đề thi về tiếng mẹ đẻ của chúng ta rồi! Không ai lại đem một “văn bản chấp nhận được” để làm đề thi quốc gia cả. Từng người có thể chưa “hoàn hảo”, nhưng đây là cả “Hội đồng”, cả “Quốc gia” cơ mà? -
Hãy nghe thêm một số ý kiến khác:
- “Đoạn văn (trong đề thi) của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó thấu cảm được bởi không thể nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ được. Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông”, “đây là đoạn văn thiếu logic-không chặt chẽ-và chủ quan” (TS. Trịnh Thu Tuyết).
- “Viết lung tung, viết nhảm nhí là chuyện riêng của Đặng Hoàng Giang. Nhưng sao ông giáo, bà giáo nào đó lại chọn một đoạn văn nhảm nhí đến thế làm đề thi cho học trò cả nước kia chứ?
Mà cứ như ở cái đề thi này, thì đây là đoạn văn cực kỳ dốt nát, dốt tiếng Việt, dốt triết học và cả tâm lý học nữa! Đọc văn không phân biệt đúng sai hay dở, thế mà dám ra đề và duyệt đề Đọc hiểu! Sao trớ trêu đến vậy?” (GS.TS La Khắc Hòa-fb). v.v... và v.v...
Nếu như có ai chưa đồng ý (tất cả hoặc phần nào) với các ý kiến trên, theo tôi, nên đọc lại lời răn của người bếp trưởng cao cấp với các đầu bếp của mình ở ví dụ đã nêu.
Đỗ Trung Lai