Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết buổi làm việc giữa Vasep với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) được diễn ra trước đó một ngày đã thông tin chính thức về việc cá ba tra Việt Nam bị “đổi màu”.
Cụ thể là một số sản phẩm cá tra Việt Nam vừa bị các thành viên của WWF ở 6 nước EU (Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) chuyển từ “danh sách da cam” sang “danh sách đỏ” (nghĩa là sản phẩm cá tra bị chuyển từ “có thể cân nhắc sử dụng” sang “sản phẩm không nên sử dụng”) trong các bản hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010 - 2011 ở các nước đó.
Đây là kết quả khảo sátcủa một công ty tư vấn độc lập do WWF các nước này thuê, tiến hành đánh giá hơn 100 loại thủy sản thực phẩm trên thế giới theo bộ tiêu chí phát triển bền vững sửa đổi của WWF.
Hiện nay, Việt Nam đang cung cấp hơn 95% nguồn cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới, tương đương với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, có chất lượng dinh dưỡng cao, giá rẻ. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra với giá trị lên tới trên 1,1 tỷ USD.
Không những vậy, đây cũng là loài cá nuôi kinh tế. Để thu được 1kg cá hồi hay các loài cá động vật khác (như cá giò, cá song, cá chẽm…) cần sử dụng tới 4 - 8 kg cá biển, thậm chí cá ngừ còn sử dụng lên tới 30 kg. Trong khi đó, cá tra sử dụng ít đạm động vật, lại có thể thay thế bằng các nguồn đạm thực vật giá rẻ, tận dụng từ chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp (cám, bã đậu nành, khô dầu…) mà năng suất lại cao…
Về quy trình sản xuất và mức độ an toàn thực phẩm, từ năm 2003, Việt Nam đã phổ biến áp dụng tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000CM của Hiệp hội tiếp thị thực phảm (FMI) Mỹ.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2010, nhiều nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Global GAP- tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng ủng hộ Chương trình áp dụng Global GAP cho toàn bộ các trang trại nuôi cá tra thương phẩm trong kế hoạch 2011 - 2015.
Trong khi đó, bản thân WWF cũng phải thừa nhận hàng loạt cơ sở nuôi cá tra đã, đang và sẽ được chứng nhận SQF và Global GAP đang được công nhận rộng rãi ở Mỹ và Châu Âu mà không cần phải chờ đến lúc cá tra nhận được chứng nhận ASC của WWF mới có thể sử dụng làm thực phẩm. “Như vậy, khuyến nghị của một số thành viên WWF ở Châu Âu đưa ra có thể ẩn chứa những mục tiêu không trong sáng” - ông Dũng nói.
Trước sự việc trên, Hiệp hội Vasep đã đề nghị WWF toàn cầu yêu cầu các thành viên ở Châu Âu khẩn trương xem xét lại ý kiến đánh giá, công bố công khai các hệ tiêu chí, các chỉ số đánh giá của chuyên gia tư vấn về quản lý và sản xuất cá tra của Việt Nam, tiến hành sửa chữa những sai lỗi trong việc hướng dẫn người tiêu dùng Châu Âu.
Vasep cũng tuyên bố sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các chuyên gia của WWF nghiên cứu làm rõ vấn đề, từ đó có cái nhìn nhận đúng đối với sản phẩm cá tra.
Quỳnh Anh (TH)