Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011 chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc thông báo nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011, trong đó nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội mà Nghị quyết 11/NQ-CP đã đề ra. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về với những giải pháp căn cơ, quyết liệt. Chính phủ cũng đã thảo luận về các Báo cáo sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây; báo cáo về chiến lược cải cách hành chính giai đoạn 2010-2020, thảo luận về sửa đổi hình thức đầu tư….
Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho hay, hơn một tuần qua, ngành Ngân hàng đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, đặc biệt là triển khai xuống các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao các giải pháp và quyết tâm của Chính phủ trước tình hình hiện nay, coi đây là giải pháp kịp thời và hoàn toàn phù hợp.
Đặc biệt, tại phiên họp này, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc nhanh chóng đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước và những chính sách hỗ trợ khó khăn đối với họ. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có tổng số 10.482 lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng tại Libya, trong đó có hơn 5.000 lao động làm việc tại thủ đô Tripoli, hơn 2.000 người làm việc tại thành phố Bengazi, còn lại làm việc rải rác tại các khu vực lân cận. Trước tình hình bất ổn chính trị tại nước này, Chính phủ đã cấp tốc cử 5 đoàn công tác đến để nắm bắt tình hình, liên lạc với người lao động và sứ quán nước ta tại Lybia nhằm hỗ trợ lao động nhanh chóng về nước, đàm phán với các nước thứ ba để đưa lao động sang tạm trú trước khi về nước.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, đến thời điểm này, chúng ta đã sơ tán được 6.196 lao động sang các nước thứ 3, đã đưa được hơn 2.739 lao động về nước an toàn. Đối với hơn 200 lao động lao động làm việc tại các công xưởng, nhà máy nhỏ do thiếu thông tin đang còn mắc kẹt tại Libya cũng đang tìm cách liên lạc với Đại sứ quán nước ta để tìm được nơi tạm trú an toàn để quá cảnh về nước.
Trong những ngày tới, chúng ta sẽ có nhiều chuyến bay từ các nước và vùng lãnh thổ như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ai Cập, Malta, Tunisia đón các lao động về nước.
Về những chính sách hỗ trợ với lao động khi về nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Bộ LĐTBXH sẽ căn cứ chính sách hiện hành giải quyết hỗ trợ cho lao động. Các ngân hàng có thể khoanh nợ cho người lao động mới sang. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH sẽ tìm kiếm những thị trường mới để đưa lao động sang làm việc, nếu thị trường Libya trở lại ổn định sẽ đưa lao động quay trở lại nếu có nhu cầu.
Cao Thúy