Ngày 10/10/2020, tại khách sạn Hương Thuỷ, thành phố Hà Tĩnh, hơn 50 Cựu chiến binh thuộc Đại đội 16, Trung đoàn 266, thuộc Sư đoàn 341 hai lần anh hùng đã tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Đại đội (15/10/1973  - 15/10/2020 ) và giao lưu văn nghệ “ Một thời bên nhau “

Cùng dự chia vui với các CCB đại đội 16 có đại diện Thường trực Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh và các phòng, ban cơ quan Hội; đại diện các thân nhân Liệt sỹ của đại đội, các thương, bệnh binh và gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù thời tiết đang mưa lũ lớn tại miền Trung, nhưng nhiều CCB ở các tỉnh xa như Tây Ninh, T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Nghệ An vẫn có mặt đúng ngày kỷ niệm.

      Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Đại tá Trần Hậu Tám, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh (nguyên cán bộ đại đội 16) đã ôn lại những trang sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của Sư đoàn 341 hai lần anh hùng và những chiến công của Đại đội 16 qua các cuộc chiến tranh.

     "....Đại đội 16, trung đoàn 266, sư đoàn 341 tiền thân là đại đội 34, tiểu đoàn 20 pháo phòng không 37 ly thuộc Bộ CHQS Hà Tĩnh được thành lập tháng 5 năm1972. Ngay lần đầu ra quân ngày 23-5 đã bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ tại cầu Đò Trai. Sau hiệp định Pari được ký kết (27.2.1973) đại đội được lệnh trả pháo PK 37 ly cơ động về nằm trong đội hình Trung đoàn bộ binh 129 của tỉnh đội nhận trang bị là súng máy phòng không 12,7 ly, với phiên hiệu mới là đại đội 16 trực thuộc Trung đoàn.

       Tháng 9.1973, QK4 điều động đại đội 16 cùng với các đơn vị khác vào thành lập trung đoàn 266 thuộc sư đoàn 341 tai Lệ Thủy, Quảng Bình. Đơn vị đóng quân tại thôn Bồn Cừ, xã Dương Thủy làm nhiện vụ huấn luyên và SSCĐ. Đầu năm 1974, đơn vị cơ đông lên Đội 1, Nông trường Đại Giang (gần một bản người dân tộc Vân kiều cùng với c14 cối 82 ly và c15 ĐKZ 75 ly), nhận bổ sung quân số, trang bị, triển khai xây dưng doanh trại, huấn luyện SSCĐ .

        Đầu năm 1975, Sư đoàn nhận nhiệm vụ lên đường vào nam chiến đấu, hành quân bằng xe vận tải quân sự theo đường Trường Sơn, cứ ngày nghỉ, đêm đi qua nhiều cung đường, binh trạm giao liên cả trên Việt và đất Lào với bao địa danh như: ngầm Đá Bạc, sông Pô Cô, đèo A Mun, Bù Đăng, Bù Đốp, sông La Ngà, Định Quán vào chiến trường B2... Ngày 9.4.1975  đơn vị trong đội hình Trung đoàn 266 tham gia nổ súng tiến công thị xã Xuân Lộc, sau giải phóng Xuân Lộc tiếp tục phát triển vào Ngả ba Dầu Dây, Chi khu Trảng Bom, Suối Đĩa, sân bay Biên Hòa và cùng đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn – Gia Định đầu giờ chiều 30.4. 1975, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

         Sau ngày giải phóng, đơn vị được giao làm nhiệm vụ quân quản. Đây là nhiệm vụ mới đầy bỡ ngỡ, khó khăn và đầy thử thách cám dỗ, nhưng với tinh thần “Vào thành vững như thành”, các tổ đội công tác của đơn vị đã chủ động bám nắm địa bàn, tích cực làm công tác vận động quần chúng, tham gia mọi công việc như: Tuyên truyền chủ trương chính sách của cách mạng, xây dựng chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị. Vận động Ngụy quân, Ngụy quyền ra đầu thú đi học tập cải tạo, phát gạo cứu tế, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cho thanh thiếu niên hoạt động VHVN, TDTT, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội... Chỉ sau một thời gian ngắn chính quyền phường 14 đã hoạt động hiệu quả, tình hình ANCT ổn định, cán bộ chiến sỹ c16 được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng, quý mến.

Đầu năm 1976, đại đội cùng với một số đơn vị trực thuộc cơ động ra khu vực ấp Ông Quế, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai làm nhiệm vụ phát rừng trồng sắn để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy mì ăn liền tại thành phố HCM theo chủ trương của sư đoàn. Giữa năm 1977 tình hình biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp đơn vị được lệnh trở lại Thành phố nhanh chóng ổn định tổ chức, học tập quán triệt nhiệm vụ mới. Cuối tháng 9. 1977 đơn vị trong đội hình trung đoàn, sư đoàn cơ động lên biên giới làm nhiệm vụ chiến đấu. Một giai đoạn mới bắt đầu đầy gian khổ, ác liệt và biết bao mất mát hy sinh. Từ những trận đánh be bờ, tiến công, chốt giữ dọc theo biên giới Tây Ninh đến Hà Tiên, rồi phát triển tiến công vào giải phóng thủ đô Pnông Pênh, những trận đánh ác liệt ở thị xã Công Pông Chư Pư, Công Pông Chi Năng, Pua xát.  Rồi những tháng ngày truy quét lính Pô Pốt ở vùng Săm Lốt sát biên giới Thái Lan... Địch phục kích, gài mìn và những cơn sốt rét đã làm bao đồng đội phải ngã xuống, chuyển viện tuyến sau, có thời điểm quân số đơn vị gom lại không đầy một nữa (có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất khi làm nhiệm vụ trên đất bạn) đến cuối năm 1980 mới có lệnh rút về nước. Dấu chân người lính f341 nói chung và c16, e266 nói riêng đã in dấu lên bao địa danh của đất Chùa Tháp cùng với đó là máu xương của bao đồng đội chúng ta đã đổ xuống cho sự tồn vong và phát triển của mảnh đất này.

Hôm nay, chúng ta có mặt cùng nhau ở đây để ôn lại một thời chiến đấu đầy gian khổ hy sinh và những kỷ niệm không bao giờ quên được. Thật tự hào với những chiến công của đại đội 16 SMPK đã góp phần vào truyền thống của Trung đoàn 266 và Sư đoàn 341 hai lần anh hùng LLVTND. Tự hào đơn vị chúng ta đã có nhiều đồng chí phấn đấu rèn luyện trở thành tướng lĩnh, những sỹ quan cao cấp trong quân đội, có đồng chí trở thành trợ lý Chủ tịch nước, có đồng chí là Lãnh sự quán  của các nước Châu Phi, nhiều đồng chí là doanh nhân thành đạt trong phát triển kinh tế nhưng lại giàu lòng nhân ái giúp đỡ tri ân đồng đội, nhiều đồng chí trở thành những thầy giáo ưu tú trên bục giảng nhà trường và nhiều đồng chí về địa phương tham gia làm Bí thư, phó chủ tịch xã ngày đêm lăn lộn vì cuộc sống của nhân dân....

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ đến bao đồng đội đã anh dũng hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn trước ngày toàn thắng và nhiều đồng đội hý sinh khi làm nhiệm vụ Quốc tê trên đất bạn Cam Pu Chia..."

Sau diễn văn của Đại tá Trần Hậu Tám, các CCB của Đại đội 16 đã phát biểu nói lên cảm xúc bồi hồi và xúc động sau 47 năm được gặp lại nhau nơi mảnh đất tiền thân mà đại đội ra đời. Nhiều đồng chí khẳng định rằng: Cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 16 trưởng thành trong chiến đấu và nhiều đồng chí thành đạt sau cuộc chiến tranh là nhờ ở sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Quân đội; mang truyền thống vẻ vang của Sư đoàn 341 hai lần anh hùng. Hơn bao giờ hết, các CCB của Đại đội 16 càng phải phát huy tốt phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục con cháu chăm ngoan, học giỏi, sống có ích cho xã hội. Gắn bó và nhân lên tình cảm đồng đội tốt đẹp trong thời gian vừa qua, để cùng giúp nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, các CCB của Đại đội 16 cùng nhắc nhở nhau nêu cao trách nhiệm với các đồng đội đã hy sinh, giúp đỡ các gia đình thân nhân Liệt sỹ, gia đình đồng đội có hoàn cảnh khó khăn; cùng nhau hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Đại đội vào năm 2023.

Tại cuộc gặp mặt, được sự tài trợ của doanh nhân CCB Lê Thiết Thảo ( Hà Nội ), Ban Liên lạc của Đại đội đã trao hơn 50 suất quà cho các thân nhân gia đình Liệt sỹ, các CCB có hoàn cảnh khó khăn.

Dưới đây là một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt “Một thời bên nhau “của Đại đội 16, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341.

Lê Anh Thi