Lực lượng chức năng đến khám xét nhà ông Chung.
Tuần qua, người Hà Nội và nhiều người dân Việt Nam trong nước và ở nước ngoài luận bàn xung quanh việc cơ quan chức năng quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung - người “thị trưởng” của Thủ đô Hà Nội.
Chuyện “bắt” ông Nguyễn Đức Chung đã râm ran trong dư luận từ lâu, nhất là khi cả thư ký và lái xe của ông Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố và bắt giữ trước đó. Thậm chí, ngay từ khi ông Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường bị khởi tố hồi tháng 5-2019, nhiều người đã “đoán già, đoán non” về mối liên hệ giữa ông Nguyễn Đức Chung và vụ án này...
Nói vậy để thấy, vụ việc mới xảy ra nhưng những thông tin “rỉ tai” không mấy tốt đẹp về ông Nguyễn Đức Chung đã xuất hiện trong dư luận từ rất lâu. Ông Nguyễn Đức Chung có một lý lịch và quá trình công tác rất đẹp. 37 tuổi đã được phong Anh hùng LLVTND. 46 tuổi đã được phong quân hàm Thiếu tướng Công an nhân dân. 49 tuổi đã được bầu làm Ủy viên T.Ư Đảng. Với “hành trang” như thế, rất nhiều người đã đặt hy vọng ông sẽ là cán bộ tốt, có đóng góp để đời trong xây dựng Thủ đô. Nhưng, cũng ngay từ khi ông “cởi áo công an, khoác áo chính trị gia”, đã có không ít lùm xùm trong dư luận. Một thời gian sau, trên nhiều tờ báo đăng lời phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung về tình trạng “bảo kê” quán bia của công an. Những tờ báo lớn như Thanh Niên, Vnexpress.net đồng loạt nhắc lại lời ông: “Trong “180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng sau”. Người thì bảo ông dũng cảm nói ra sự thật về đơn vị mình vừa đứng đầu. Người thì bảo ông có biểu hiện “dân túy”, tung ra những khuyết điểm “vặt” để che đậy những “tảng băng chìm khuyết điểm”. Nhưng tất cả những luồng dư luận ấy, cũng không khỏa lấp được một dư luận về phương thức làm ăn của công ty riêng nhà ông Nguyễn Đức Chung, do vợ ông làm chủ...
Với sự việc ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận cũng có nhiều luồng ý kiến, có khi xung đột nhau. Luồng ý kiến thứ nhất bày tỏ thái độ buồn trước những sai phạm hàng loạt của đội ngũ cán bộ cấp cao tại các thành phố lớn; đồng thời cũng hoan nghênh ý chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta. Người dân càng ngày càng tin rằng, cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo không có vùng cấm; việc khởi tố ông Nguyễn Đức Chung là hành động “chặt cành để cứu cây”, “đánh chuột không để vỡ bình quý”. Luồng ý kiến đối ngược thì xuyên tạc rằng, đây là hành vi chính trị chứ không phải chống tham nhũng với những luận điệu thiếu căn cứ, cho rằng ông Nguyễn Đức Chung có quy hoạch phát triển lên Bộ Công an nên bị chính công an của Bộ “đánh”; một số khác thì cho rằng, cơ chế ở ta, ai làm cán bộ thì cũng phải sai mới được việc, cho nên, nếu khởi tố thì “ai cũng có thể bị khởi tố”, mà như vậy thì lấy đâu ra cán bộ để làm việc(!)
Từ nhiều năm nay, mỗi lần có một cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật hay xử lý theo pháp luật thì dư luận lại rộ lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người lo ngại rằng, không ít cán bộ cấp cao hiện nay đang áp dụng chiến thuật vơ vét, tận thu khi ngồi lên “ghế nóng”, chấp nhận bị khởi tố, tù đày để “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nhiều quan chức âm thầm chuyển tiền, tài sản và lo quốc tịch nước ngoài cho vợ con; sau khi bị lộ sẽ đánh bài “chuồn”, nếu không “chuồn” được thì chấp nhận án tù một số năm, còn vợ con được sống sung sướng ở nước ngoài.
Nếu quả thật có những quan chức suy nghĩ và hành động như vậy thì đó là “nước cờ tồi”. Người Việt Nam ai cũng biết câu “hổ chết để da, người chết để tiếng”. Người ta sống ở trên đời, khi về với ông bà tổ tiên thì “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Cái di sản tinh thần mới là cái duy nhất bố mẹ để lại cho con cái. Mark Elliot Zuckerberg - ông chủ Facebook người Mỹ, với tài sản ròng lên đến 72 tỷ USD (năm 2019) khi tuyên bố hiến 99% tài sản của mình cho công tác thiện nguyện, đã viết cho con gái: “Max, bố mẹ yêu con và cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn rằng, phải tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con và toàn bộ trẻ em”. Một tỷ phú khác, khi hiến hàng tỷ USD cho công tác từ thiện đã lập luận: Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản (khổng lồ) của tôi sẽ chỉ làm hại chúng.
Tiếng thơm của cha mẹ để lại cho con cái mới là cái còn mãi. Những quan chức định “ăn cắp của công” để “hy sinh đời bố, củng cố đời con” hình như quên rằng, tai tiếng để đời là thứ tài sản ô uế mà họ để lại cho con cháu vô cùng nặng nề. Vì rằng: “Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn con trơ trơ”.
Hồng Hà