Thí sinh dự cuộc phỏng vấn để xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay
Có lẽ cũng vì dịch bệnh mà lần đầu tiên Trường đại học Bách khoa Hà Nội chon hình thức kiểm tra tư duy để làm căn cứ xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Đây cũng là trường đại học duy nhất ở khu vực phía Bắc tổ chức kiểm tra tư duy chọn đầu vào.
Tuy nhiên, đây lại là phương pháp tuyển sinh phổ biến của hệ thống các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Và có một quy luật là càng những trường uy tín, có chất lượng cao càng kiểm tra tư duy thí sinh mở rộng và nghiêng về tìm năng lực sáng tạo của thí sinh nhiều hơn là học thuật. Bài luận cũng được quy định với số chữ không được vượt quá - thường là dưới 1.000 từ.
Thậm chí những trường tốp đầu của thế giới bài luận cởi mở tới mức thí sinh được chủ động chọn đề tài, chủ động luận về vấn đề mà thí sinh cho là tâm đắc. Đương nhiên thí sinh tự do viết bài luận ở nhà.
Chính vì thế mà nhiều thí sinh có bài luận được nhiều trường cùng tuyển chọn. Học sinh Việt Nam nhiều em đứng tốp đầu thế giới. Điển hình như em Lâm Đào Trúc Anh, 18 tuổi, cựu học sinh lớp 12 Văn, Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh, vừa xuất sắc được 12 học bổng của các trường đại học lớn.
Thí sinh này đã chọn học tại Đại học Cornell, một trong tám trường thuộc nhóm đại học có uy tín nhất trên thế giới, với gói học bổng 196.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) cho ngành Quan hệ lao động.
Bài kiểm tra tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải làm trong thời gian 120 phút, với hai phần Toán và Đọc hiểu. Trong đó, phần Toán có thời lượng 90 phút, chiếm 75% tổng số điểm của bài thi, phần Đọc hiểu có thời lượng 30 phút... Các chuyên gia cho rằng khối lượng kiến thức như thế là lớn, lại “gói” trong thời gian quy định, nên khó cho thí sinh sáng tạo trong tư duy...
Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới tư duy ngay cả từ khâu “kiểm tra tư duy” để theo kịp nền giáo dục - đào tạo trên thế giới.
Huy Thiêm