Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp.
Chiều 21-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan về ứng phó dịch Covid-19.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát, thậm chí kiểm soát rất chủ động kể cả ở những địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo của Đảng ta.
Thủ tướng biểu dương đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương; đánh giá cao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế, các lực lượng công an, quân đội, các bộ, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế. Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra được nhiều bài học tốt trong quá trình chỉ đạo, đó là tinh thần "Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa" trong chỉ đạo; xét nghiệm nhanh, rộng, đẩy mạnh ứng dụng Bluezone, truyền thông thông tin kịp thời, hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và người dân ủng hộ.
T.Ư và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm an toàn, kiểm soát tốt, thực hiện tốt mục tiêu kép. Đợt này có sự giúp đỡ, đùm bọc, hỗ trợ của các doanh nghiệp, người dân, thậm chí người nước ngoài ở Việt Nam; có nhiều tấm gương quý, "lá lành đùm lá rách", những cử chỉ, hành động cao đẹp, là những hình ảnh sống động, thuyết phục là truyền thống quý báu của dân tộc ta cần phát huy. Nhưng đây đó vẫn còn ca nhiễm, gây lo lắng, nhất là thế giới vừa qua diễn biến xấu; vẫn chưa có vắc-xin phòng Covid-19 chính thức được sử dụng. Nước ta là nước hội nhập sâu rộng, do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, không được coi thường trong chỉ đạo mà phải tập trung sức, không để các ổ dịch lây rộng trong cộng đồng. Chúng ta xác định, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có vắc-xin phòng dịch và thuốc đặc trị thì phải “chung sống với dịch” với những phương thức, cách làm và văn hoá ứng xử trong bối cảnh này.
Trong bối cảnh toàn cầu kinh tế sụt giảm, tăng trưởng âm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế, phong toả kiên quyết, chặn đứng nguồn lây thì mới duy trì hoạt động cần thiết. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần cương quyết, chỉ đạo hai nhiệm vụ đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch lây lan, không được để người dân lo lắng, bất an vì cách ly xã hội. Vì vậy, những vấn đề đặt ra là tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm với thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân ở những vùng, đối tượng cần thiết. Ngành y tế cần suy nghĩ nhận diện, chẩn đoán sớm về Covid-19 đối với những người có biểu hiện như ho, sốt, khó thở... những thay đổi cơ thể cần được kiểm tra. Chúng ta chuẩn bị hệ thống y tế toàn quốc, những thành phố lớn, những địa phương có giao lưu rộng để đối phó tình huống gia tăng trên diện rộng; khi cần thiết có thể làm nhanh bệnh viện dã chiến. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế cử các bác sĩ giỏi nhất để vào hỗ trợ ở tâm dịch; có quy trình chặt chẽ ở bệnh viện, có ý thức tự phòng vệ đối nhất là các gia đình có bệnh nhân ứng phó Covid-19, tăng cường đào tạo trực tuyến cho đội ngũ y bác sĩ toàn quốc; cần đẩy nhanh triển khai khám bệnh từ xa; không được để xảy ra ổ dịch, nhất là ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Các cơ sở y tế từ trạm xá đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, T.Ư cần chủ động hơn. Chú trọng phát triển hệ thống y tế dự phòng trong cả nước. Một tinh thần quyết liệt khi xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng kịp thời, không để lây lan; phải xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát phòng, chống dịch. Cần có văn hoá ứng xử trong bối cảnh có dịch, đó là đeo khẩu trang trong trương học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người… Sẽ có chế tài bắt buộc đeo khẩu trang, khai báo y tế, yêu cầu một số đối tượng cài ứng dụng Bluzone và một số ứng dụng cần thiết khác. Tạo thuận lợi cho người dân khai báo y tế. Một văn hoá ứng xử trong dịch bệnh cần thực hiện hơn nữa, cần giãn cách xã hội phù hợp, nêu cao tinh thần cảnh giác dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ biên giới và những người nhập cảnh trái phép. Các lực lượng quân đội, công an kiên quyết xử lý các trường hợp này để giáo dục, răn đe cần thiết; xử lý các chủ khách sạn, cơ sở lưu trú sử dụng lao động nhập cư trái phép. Theo dõi dịch bệnh nhanh, nhạy cảm, kịp thời, chính xác hơn đối với những đối tượng có nguy cơ dễ lây nhiễm. Tinh thần cảnh giác này phải được báo động trong toàn bộ ngành y tế, nhất là các bệnh viện.
Chúng ta vẫn tiếp tục đón các chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lành nghề người nước ngoài với điều kiện cách ly phù hợp, trong đó có trách nhiệm của người mời; tiếp tục đón người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về phù hợp hoàn cảnh. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT cho những học sinh chưa được thi đợt vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận các địa phương sớm trình phương án để Bộ quyết định vấn đề này; bàn với Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và một số nơi có các ca F1, F2 để tổ chức kỳ thi an toàn, chặt chẽ, phù hợp. Việc tổ chức khai giảng cũng làm linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp từng địa phương. Thường trực Chính phủ đã trao đổi với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, theo đó sẽ sớm sửa chính sách hỗ trợ thêm về an sinh xã hội cho người lao động vì Covid-19 bị mất việc, không có thu nhập. Phương án náy sẽ sớm tình Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, sẽ có thêm gói hỗ trợ an sinh xã hội tiếp theo phù hợp trong phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ. Chúng ta cũng phải có hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, thậm chí điều chỉnh tiền lương phù hợp. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ có giãn cách phù hợp chứ không phải đóng cửa. Thủ tướng lưu ý Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có giãn cách xã hội phù hợp.
* Tại cuộc họp, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp: bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp đối với tùng khu vực trên địa bàn đáp ứng vêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội; không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, không áp dung các biện pháp có tính chất "ngăn sông cấm chợ”, gây trở ngại, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân trái quy định.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, nhất là tại các cơ sở y tế, doanh nghiệp có số lượng lớn lao động tập trung, xử lý nghiêm các vi phạm. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
PV