Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị trực tuyến Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5.
Tối 20-8, theo giờ Hà Nội, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội (CTQH) thế giới lần thứ 5 (tổ chức trực tuyến) đã bế mạc sau hai ngày làm việc.
Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ hai của hội nghị, các đại biểu nghe các diễn giả trình bày các báo cáo về dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21; khoa học, công nghệ và đạo đức: Những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách; và tiến hành thảo luận chuyên đề về tăng cường quản trị bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các nghị viện và người dân; về thúc đẩy nền kinh tế toàn diện và bền vững mang lại hạnh phúc, công bằng cho tất cả mọi người.
Trong phiên bế mạc, hội nghị đã thông qua Tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.
Thông qua Tuyên bố chung, các CTQH cùng Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới khẳng định sát cánh cùng các nghị sĩ và người dân trong thời điểm mang tính lịch sử toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19; nhắc nhở rằng đại dịch này là khủng hoảng không có biên giới, tác động của nó được cảm nhận ở mọi cấp độ. Đại dịch đã phát triển thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt với tư cách là một cộng đồng các quốc gia kể từ cuộc đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai.
Các CTQH nhấn mạnh rằng, những thách thức toàn cầu yêu cầu các giải pháp toàn cầu, trong đó tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết; khẳng định bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất niềm tin và sự ủng hộ của các CTQH cùng các mục đích và nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ); tin tưởng rằng LHQ ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết và là nền tảng của các hành động mang tính toàn cầu mạnh mẽ, hiệu quả. Các CTQH cũng cho rằng, để đối phó với đại dịch cần phải nỗ lực gấp đôi để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt hợp tác quốc tế về phương pháp thử nghiệm, điều trị, vaccine và nghiên cứu phát triển y tế; đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển. Về giải quyết các hậu quả kinh tế của đại dịch, các CTQH cho rằng trước mắt, cần ưu tiên ngăn chặn nền kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào suy thoái; tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và duy trì thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời bảo vệ việc làm và tiền lương.
Các CTQH khẳng định tầm quan trọng của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo nhanh chóng tiến hành việc thực hiện, bao gồm thông qua các chiến lược thích ứng và giảm thiểu phù hợp.
Các CTQH nhấn mạnh rằng bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết cho hòa bình thế giới, thịnh vượng và bền vững. Bày tỏ lo ngại thế giới có thể đang phải đối mặt với những thất bại trong thúc đẩy bình đẳng giới, các CTQH kêu gọi tất cả các quốc gia, kêu gọi cộng đồng quốc tế tận dụng kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh để đấu tranh bảo vệ bình đẳng giới dưới mọi hình thức...
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn tham gia hội nghị trực tuyến đã có bài phát biểu thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”; khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành với Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội