Nhà văn Dương Thị Xuân Quý với con gái nhỏ Bùi Dương Hương Ly trước khi chị đi vào chiến trường miền Nam.
“Hạnh phúc là gì ?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài
mà nghĩ mãi chưa ra”…(*)
Có rất nhiều cách trả lời cho câu hỏi muôn thuở của loài người: “Hạnh phúc là gì?”. Đã có lần, Các Mác trả lời con gái rằng: “Hạnh phúc là đấu tranh!” khi ông được hỏi: “Hạnh phúc là gì?”. Đúng vậy, hạnh phúc biết bao khi con người không ngừng đấu tranh chống cường quyền, áp bức; chống bất công, chống cái xấu, bênh vực cái đẹp để mang lại hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng, xã hội!
Tác giả Dương Hương Ly, trong “Bài thơ về hạnh phúc” lại có những quan niệm về hạnh phúc thật sinh động; bởi niềm hạnh phúc ở đây được nảy sinh, được hài hòa trong những tháng ngày gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bài thơ có lời đề tặng “Tưởng nhớ Dương Thị Xuân Quý thương yêu” gợi cho người đọc bao suy nghĩ. Đó là người vợ hiền của tác giả Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) - nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Chị đã gửi con nhỏ lại và rời hậu phương miền Bắc để vào chiến trường Quảng Nam tham gia công tác văn nghệ trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh.
Trong một lần về công tác ở vùng đồng bằng, chị đã hy sinh anh dũng, để lại bao niềm thương tiếc cho người ở lại. Trong cảm xúc dâng trào, nhà thơ Dương Hương Ly đã viết nên “Bài thơ về hạnh phúc” và trong đó, tác giả quan niệm về hạnh phúc một cách cao đẹp: Hạnh phúc là được sống hết mình cho sự sống và cháy hết mình cho sự đam mê…
Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.
Nỗi đau đớn tột cùng khi nhận được tin người vợ - người đồng đội của mình đã hy sinh anh dũng. Tác giả thốt lên: “Anh mất em như mất nửa cuộc đời/ Nỗi đau anh không thể nói bằng lời/ Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy/… Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/ Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc”.
“Hạnh phúc là gì?”, phải chăng hạnh phúc là được sống trong những tháng ngày gian khổ! Con người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, biết quý trọng cuộc sống và biết được ý nghĩa cuộc sống khi trải qua bao thử thách, gian khổ. Không có sự trưởng thành nếu không được tôi luyện qua lò lửa gian khổ! Khi đó, con người sẽ cứng cáp hơn, sẽ có niềm vui hơn và nhiều hạnh phúc hơn vì được cống hiến sức mình cho cuộc đời… Đó phải chăng là quan niệm về hạnh phúc của tác giả!
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng… Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ Con sông Giằng gầm réo miên man/ Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết: Lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc...
Với người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ đang giữa chiến trường là được viết những gì đang diễn ra nóng bỏng trước mắt! Dù phải vượt qua bao dốc cao, dù cơn đói hành hạ nhưng không thể ngăn nổi người phụ nữ mảnh mai này! Chị vẫn nói về tương lai; nói về những ấp ủ trong sáng tác. Hạnh phúc trong gian khổ là bản thân mình được lớn lên, được tôi luyện về thể xác lẫn tinh thần.
Hạnh phúc còn là khi được sống với người dân giữa ngút ngàn bom đạn. Giữa cái chết quanh mình, sự sống vẫn hồi sinh. Con người, cỏ cây đều khét mùi thuốc bom, thuốc đạn nhưng cũng con người ấy, mảnh đất ấy lại bừng lên sức sống mãnh liệt một cach diệu kỳ!
Ở đây, bom đạn kẻ thù không thể nào khuất phục được sự sống. Mầm xanh vẫn lên; tiếng nói cười vẫn vang xa và đẹp thay; một nhành hoa cúc nở vàng tươi trong khu vườn cháy khét vì bom đạn!
Hạnh phúc thật đơn sơ và cũng thật bất ngờ. cái đẹp vẫn tồn tại; cái đẹp vẫn vươn lên, vẫn kiêu hãnh vượt lên từ đổ nát, từ đau thương, mất mát…
Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân/ Em lên đường phơi phới bước chân/ B.52 bom nghìn tấn dội… Quanh những bờ dương bị giặc san bằng/ Đã lại mở những chiến hào gan góc/ Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học/ Những vồng khoai, ruộng lúa vẫn xanh tràn/ Trong góc vườn cháy khét lửa na-pan/ Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…
Những tưởng dưới hàng nghìn tấn bom đạn, mọi vật đều bị san bằng và tất cả hoang tàn, không còn dấu hiệu của sự sống. Nhành hoa cúc nhỏ nhắn thôi nhưng đã minh chứng cho sự thật: Sự sống vẫn tồn tại bông hoa cúc vàng làm đẹp cho cuộc đời…
Những chiến hào gan góc, những con người dũng cảm vẫn bám đất bám làng “một tấc không đi, một ly không rời”. Hạnh phúc còn là được sống hòa mình vào mảnh đất đau thương mà anh dũng. Chính niềm tin phơi phới, chính sự trăn trở, khao khát được cống hiến sức lực của mình cho đất nước đã tiếp thêm sức mạnh cho chị.
Cứ thế, chị mải mê bước vào cuộc sống chiến đấu để viết, để ấp ủ nhiều sáng tác cho ngòi bút của mình.
Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời/Em mải mê, đi giữa bao người/ …Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ/ Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ/ Đã cùng họ sẻ chia/ Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa... Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo/ Những con người như ánh sáng lung linh/ …Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên/ Thức dậy bao điều mới mẻ trong em/ Thức dậy bao điều cao quý trong em/ Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc...
Hạnh phúc còn là được sống với “mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”! Một miền đất miền Trung cằn khô sỏi đá nhưng vẫn luôn ấm áp tình người. Đó là cô du kích, là em nhỏ giao liên, là người mẹ hiền bám trụ; là dòng sông Thu Bồn chảy qua trang sách ngày thơ ấu… Đó còn là những anh hùng, dũng sĩ; những con người bình dị mà tầm vóc mang dáng đứng quê hương.
Họ nhường nhịn, sẻ chia trong gian khổ từ cọng rau lang, từ những phút giây chiến đấu căng thẳng, ác liệt… Họ thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh cho mảnh đất yêu thương.
Chính vẻ đẹp rạng ngời của biết bao con người nơi đất lửa đã khiến cho chị - người nữ chiến sĩ cầm bút - xúc động dâng trào. Ngọn bút thôi thúc chị phải viết, phải ghi lại những khoảnh khắc này của lịch sử…
Em bối rối, em sững sờ đứng lặng/ Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên/ Thức dậy bao điều mới mẻ trong em/ Thức dậy bao điều cao quý trong em/ Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Điệp ngữ “Thức dậy bao điều” cùng với nhịp thơ mạnh mẽ, hào hùng đã làm cho người đọc cũng bồi hồi, xúc động. Có biết bao con người sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng ngã xuống cho bình minh, cho “buổi mai đầy nắng” hôm nay… Đó là vẻ đẹp của con người sống có lý tưởng và hiến dâng đời mình cho lý tưởng cao đẹp.
Hạnh phúc lớn của người cầm bút là viết về những tấm gương lặng thầm mà tỏa sáng… Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã tìm được những hạnh phúc cho mình: Hạnh phúc được cống hiến, được viết bằng cả niềm đam mê và lòng dũng cảm!
Lê Đức Đồng
* Tài liệu tham khảo: Thơ Việt Nam thế kỷ XX (Thơ trữ tình), NXB Giáo dục, 2008.