Với bé K. vấn đề di chứng tổn thương thần kinh và ảnh hưởng vận động cánh tay khó hồi phục.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (T.P Hồ Chí Minh vừa điều trị trường hợp tụ mủ lan rộng toàn bộ vùng khớp vai và cánh tay trái sau đắp thuốc lá do chấn thương.

Bệnh nhân là bé K.B, 4 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt và sưng bỏng cánh tay trái sau đắp thuốc lá. Người nhà bệnh nhân cho biết: Bé K. bị ngã đau tay, được bó bột. Sau khi gỡ bột, người nhà cho bệnh nhi đắp lá thuốc cho mau lành.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nặng do viêm mô tế bào gây chèn ép khoang nên ê-kip nhanh chóng điều trị kháng sinh và phẫu thuật cho bệnh nhi. Khi rạch giải áp, rất nhiều mủ trào ra từ cánh tay, ổ mủ lan tràn lên tận khớp vai và xuống tới mu tay của bệnh nhi.

BS CKII. Trương Anh Mậu - Phó khoa Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng 2, T.P Hồ Chí Minh cho biết: Trường hợp này là điển hình của tình trạng viêm mô tế bào phần mềm do các vi khuẩn hoặc từ da của bé, hoặc từ những tạp chất có lẫn trong các thuốc lá cây mà người nhà đắp lên da gây nên. Tùy mức độ nhiễm trùng mà biến chứng đưa đến có thể nặng hay nhẹ, thậm chí tử vong nếu tình trạng nhiễm trùng lan tỏa không kiểm soát được.

Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện. Tuy nhiên, vấn đề di chứng tổn thương thần kinh và ảnh hưởng vận động cánh tay bé là khó hồi phục.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: Với các trường hợp chấn thương phần mềm đơn thuần ở trẻ nhỏ, người nhà chỉ nên kê cao chân cho bé 20-30cm, có thể băng ép nhẹ và chườm nước lạnh chỗ sưng cho bé. Nếu đau nhiều, có thể uống thêm thuốc giảm đau, kháng viêm; nếu bé không giảm thì nên đưabé đi khám để được điều trị đúng cách; không tự ý đắp lá theo mách bảo. Bởi nhiều loại lá có những tạp chất có thể thấm qua da, mang theo vi trùng, gây ra hậu quả nặng nề.

Minh Vũ