Bộ đội chuẩn bị suất ăn cho công dân tại điểm cách ly.
- Dịch Covid-19 xảy ra từ cuối năm 2019, thế mà đến bây giờ vẫn “nóng dần giật”. Vì nó đang hoành hành trên khắp hành tinh. Càng ngày càng dữ dội. Hàng tỷ người đang vật lộn với nó. Đã có bao nhiêu nghìn người chết vì nó rồi. Số lượng người chết vẫn tăng từng giờ chóng mặt. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trung tâm nạn dịch từ Vũ Hán giờ đã chuyển sang châu Âu, sang Mỹ. Rồi nó còn quét sang những vùng lãnh thổ nào nữa? Vì thế mà chúng ta vẫn phải bàn. Ông đồng ý với tôi không, ông Trần Đăng Khoa?
- Gớm chết, bà cứ õng ẹo. Tôi chỉ là phận con Ong cái Kiến. Chèo lái câu chuyện thế nào là quyền của bà, chứ có phải tôi đâu. Mặc dù trong thâm tâm, tôi rất chán cái con Virus Vũ Hán này…
- Trước hết, chúng ta phải thống nhất tên gọi. Đề nghị ông gọi là Covid-19. Đấy là yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới. Trung Quốc phản đối gọi Virus Vũ Hán, vì gọi thế là kỳ thị Vũ Hán, kỳ thị người Trung Quốc…
- Thế cả loài người gọi căn bệnh viêm não nguy hiểm chết người là Viêm não Nhật Bản, thì có kỳ thị người Nhật Bản không? Tại sao người Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản không phản ứng mà người điều hành Trung Quốc lại phản ứng? Ừ thì thôi, bây giờ ta gọi virus Vũ Hán là Covid-19 nhé.
- Theo ông vì sao chúng ta hạn chế được nạn dịch?
- Trước hết là cách điều hành của Chính phủ. Ngoài ông Thủ tướng, chúng ta còn dành riêng cho Ngành Y tế cả ông Phó Thủ tướng. Nhiều người nhầm tưởng ông Vũ Đức Đam là Bộ trưởng Bộ Y tế. Không đâu. Ông ấy là Phó Thủ tướng phụ trách toàn diện Ngành Y tế. Hiện Bộ Y tế vẫn chưa có Bộ trưởng. Ông Đam sang Phụ trách Y tế là giải pháp tình thế. Nhưng tôi lại thấy hay. Ở tầm Phó Thủ tướng ông ấy mới xử lý được tình hình phức tạp này. Ở ta có ba Bộ bị dân kêu rất nhiều. Đó là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Đào tạo và Bộ Giao thông, Vận tải. Bây giờ Bộ Y tế đang phát sáng và phát sáng ngay trong lúc cam go nhất. Nếu chúng ta có được ba ông Phó Thủ tướng đặc trách ba lĩnh vực nan giải nhất mà tôi vừa nói thì hy vọng đất nước sẽ đổi khác…
- Ông bảo Chính phủ điều hành dập dịch tốt. Vậy tốt ở chỗ nào?
- Chúng ta làm được rất nhiều việc. Nhưng tôi chỉ đơn cử một việc cụ thể mà ai cũng thấy. Đó là công tác truyền thông. Chúng ta minh bạch thông tin. Cập nhật liên tục về nạn dịch. Ngoài các kênh truyền thông của Nhà nước, Bộ Y tế còn thông báo đến từng người dân qua các tin nhắn vào các điện thoại di động cá nhân. Tôi liên tục nhận được tin nhắn của Bộ Y tế. Ngoài Bộ Y tế, còn có cả tin nhắn của Thủ tướng Chính phủ. Người bị nhiễm và có nguy cơ nhiễm là cách ly ngay, dù ở bất cứ cấp nào. Cách ly nhiều cấp độ, ở nhà riêng, ở nơi tập trung, ở bệnh viện. Rồi những người tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm, những F1, F2, F3, F4 có danh sách tên người, với địa chỉ cụ thể thông báo cho toàn dân biết. Và như thế, một người nhiễm là hệ luỵ đến hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người. Nhưng vẫn phải làm. Việc cách ly này rất quan trọng. Ở nước ngoài họ không làm như chúng ta, thậm chí ra ngoài đường họ không đeo khẩu trang như chúng ta, vì đeo khẩu trang dễ bị kỳ thị. Thế thì dịch lan dữ dội và người chết như rạ là phải rồi. Tôi có cô cháu ruột rất ngoan đang học ở nước ngoài. Cháu là con út của cô em gái tôi. Cháu giỏi nhất nhà, thông minh nhất nhà. Đang dịch. Cháu không về nước mà trụ lại. Tôi nhắn cháu phải tự cách ly trong nhà, không ra đường, tránh tiếp xúc, không a dua. Mình phải tự cứu mình. Không trông chờ ai cả. Giữ mình để không bị nhiễm. Cháu mà nhiễm thì cháu sẽ chết. Chắc chắn chết. Vì không còn con đường nào khác. Cũng không có cái xấu với cái xấu hơn để mà lựa chọn. Nghĩa là không có phương án thứ hai. Vì mình là người ngoại quốc. Số phận người ngoại quốc ở đất khách quê người mong manh lắm. Cũng không thể trách được người ta. Người nước họ, họ còn không chữa được thì làm sao họ chữa được cho mình. Đấy là lý do hàng vạn người Việt ở nước ngoài ùn ùn về nước trong mùa dịch mà mang cả dịch về theo. Có người về còn chửi rủa om sòm. Ông bạn tôi bảo: Khổ cho cái nước mình quá. Nghèo thì họ bỏ nước ra đi, đến khi hoạn nạn thì lại đổ về. Có người do quá tức giận còn chửi cả Việt kiều. Đấy cũng lại là một u mê nghiêm trọng. Thực chất Việt kiều có vai trò rất quan trọng. Họ chuyển bao nhiêu kiều hối về nước. Họ sát cánh cùng bà con ta, hỗ trợ bà con trong hoạn nạn thiên tai. Những người ùn ùn về nước kia không phải Việt kiều mà là những người Việt đang học tập hoặc lao động, làm cu li ở nước ngoài. Việt kiều coi như người của nước sở tại. Họ được ưu đãi như người ở nước sở tại. Ví dụ như Mỹ, mỗi người được ông D. Trump hỗ trợ 1.000USD, rồi được miễn thuế, miễn tiền điều trị Dịch Tàu (Dịch Tàu là chữ của Tổng thống Mỹ chứ không phải tôi) rồi miễn cả tiền điện thoại, tiền internet. Không phải người sở tại thì không có chế độ ấy. Họ trở về là dễ hiểu. Vả lại bác sĩ mình rất giỏi. Đây không phải tôi nói mà là đánh giá của giới chuyên môn nước ngoài. Tôi vào một bệnh viện nước ngoài khám mắt, ông bác sĩ bảo: “Anh là người Việt, sao không về Việt Nam mà chữa. Bác sĩ Việt giỏi lắm. Họ đến học chúng tôi nhưng họ vượt xa chúng tôi. Họ chỉ thua chúng tôi máy móc và điều kiện làm việc”. Bây giờ nhiều bệnh viện có máy móc tốt. Bác sĩ nhiều người rất tài. Nhưng điều kiện bệnh viện thì rất khó khăn. Nhiều bệnh viện hai, ba người nằm một giường. Tôi vừa đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang cấp cứu vì bị tai biến, đi qua những hành lang dát đặc người. Bệnh bình thường còn thế. Dịch bùng phát thì sao? Tất nhiên chúng ta có bệnh viện dã chiến là những doanh trại bộ đội. Rồi anh em bộ đội sẽ nhường chỗ ở của mình làm nơi chữa bệnh, rồi ra ngoài trời ở. Bộ đội bão mưa sương gió quen rồi. Bệnh nhân nằm giường bộ đội thì tốt hơn mấy người chen nhau trong giường bệnh viện. Nhưng máy móc, và điều kiện chữa bệnh thì doanh trại làm sao bằng bệnh viện được. Vì vậy tôi thiết tha cầu mong lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các tỉnh thành dồn mọi sự ưu tiên cho ngành Y tế. Chúng ta bớt các khoản chi tiêu chưa cần thiết đi, như xây dựng các quảng trường, các tượng đài, các lễ hội, các khách sạn, các trụ sở quá xa hoa để xây dựng bệnh viện rồi trang bị những máy móc tốt nhất, nhập khẩu có giám sát chặt chẽ những loại thuốc tốt nhất để dành cho dân. Làm sao những người dân nằm viện, ai cũng có giường riêng. Làm được điều ấy có khó không? Tôi nghĩ là không khó. Chỉ cần chúng ta tiết kiệm, đặc biệt là tiêu diệt đến tận gốc nạn tham nhũng, thu được tất cả mọi khoản tiền thất thoát trong các vụ án tham nhũng là xây dựng được hàng trăm, hàng nghìn bệnh viện rồi…
- Các bác sĩ của chúng ta rất giỏi. Tôi đồng ý với ông…
- Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người dân. Hiện nay dịch đang lây lan rất khủng khiếp. Chính phủ, Bộ Y tế cùng mọi người đang căng mình dập dịch. Nhưng như tôi nói, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Chỉ một vài người vô ý thức là dịch bùng phát và nếu chúng ta vô trách nhiệm với mình, với cộng đồng thì mọi cố gắng của Chính phủ, của Bộ Y tế và của chính chúng ta nữa cũng sẽ đi tong. Bệnh viện Bạch Mai là một nhãn tiền. Vì thế vai trò của mỗi người dân chúng ta là vô cùng quan trọng. Hãy sát cánh cùng Chính phủ và Bộ Y tế để dập dịch. Bà đồng ý với tôi không?
- Xin cảm ơn ông.
VŨ THANH ghi