Một góc công trình xây dựng “Tinh hoa làng nghề Việt” vẫn đang thi công.
Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt” của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được phê duyệt, khởi công xây dựng tại làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, năm 2018 với số vốn hơn 100 tỷ đồng trên diện tích 3.300 mét vuông.
Công trình được ví như bảo tàng làng nghề đầu tiên của Việt Nam và là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.
Lẽ ra một công trình có ý nghĩa văn hóa truyền thống như thế thì phải “rất văn hóa” trong xây dựng. Nhưng đáng tiếc, trong khi các cơ quan chức năng và người dân ở Hà Nội đang nỗ lực thực hiện dãn cách xã hội để chống dịch covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động để dãn cách xã hội, thì cho đến nay 14-4 làng Bát Tràng vẫn ầm ĩ bởi tiếng máy trộn bê tông, tiếng khoan cắt, cưa đục và công nhân vừa không đeo khẩu trang, vừa đi lại làm việc trong công trình như không hề biết có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ!
Theo phản ánh của nhân dân địa phương thì ngày 31-3, ông Nguyễn Công Thụy - người được chính thức chỉ định thực hiện công trình xây dựng này đã dừng thi công, cho công nhân tự cách ly theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng ngay sau đó, ông Trương Thanh Hiển là Giám đốc công ty TNHH Kiến trúc & Xây dựng kiến tạo ở T.P Hồ Chí Minh lại đưa công nhân ra tiếp tục xây dựng công trình, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều người dân ở làng Bát Tràng bức xúc đề nghị cơ quan chức năng địa phương phải có những biện pháp phù hợp yêu cầu chủ công trình phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để tránh lây lan của dịch bệnh covid-19.
Phạm Quang Điểu