Tinh gọn bộ máy tạo thuận lợi hơn cho người dân. Ảnh: Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Chủ trương tinh gọn bộ máy với mục tiêu “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” để Tổ quốc vươn mình đang nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân. Thế nhưng, như thường lệ, trước, trong và sau khi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các thế lực thù địch lại hậm hực, tìm đủ mọi cách để xuyên tạc sự thật.  

Bài 1: Chậm trễ là có lỗi với dân

Tinh gọn bộ máy Nhà nước là xu hướng chung của thế giới và cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Tiếc rằng, do nhiều lý do, trong thời gian khá dài, công việc này ở nước ta tiến hành khá chậm chạp, kìm hãm sự phát triển đất nước. Phát biểu  tại Hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến sự cấp bách phải tinh gọn bộ máy: “Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.

Chủ trương đúng đắn, xuyên suốt của Đảng ta

Không phải bây giờ Đảng ta mới có chủ trương tinh gọn bộ máy mà  ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới (Đại hội VI) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bởi lẽ bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.

Qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.

Thực tế trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách bộ máy hành chính. Đặc biệt, việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối hành chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như tháng 4-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức với mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế. Kết quả, chúng ta đã tinh giản được 11,67% biên chế trong giai đoạn này, vượt chỉ tiêu đề ra. Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5-2024), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết: Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định. Có 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư được thực hiện đơn giản hóa đạt 49,26%. Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15-12-2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người…

Bộ máy vẫn còn cồng kềnh

Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong việc tinh gọn bộ máy, nhưng trên thực tế, vì nhiều lý do, trong đó có việc   nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt nên  việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại…Vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững đều phải tiến hành  tinh gọn bộ máy hành chính.  

Đơn cử như Singapore với quan điểm tinh gọn đi đôi với quản trị hiệu quả, lãnh đạo của nước này đã đưa ra các quyết định táo bạo để sắp xếp lại bộ máy, cắt giảm các cơ quan hoạt động kém hiệu quả và hợp nhất các chức năng chồng chéo. Đồng thời, không ngại thay thế hoặc loại bỏ các cán bộ không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Chính phủ Singapore khuyến khích cán bộ, công chức làm việc vì mục tiêu chung, thậm chí phải từ bỏ các quyền lợi cá nhân để đáp ứng yêu cầu công việc. Kết quả là bộ máy nhỏ gọn, nhưng vận hành cực kỳ hiệu quả, trở thành một trong những nền hành chính công minh bạch và hiệu quả nhất thế giới.

Nhật Bản đã thực hiện cải cách hành chính toàn diện từ thập niên 90 của thế kỷ trước nhằm đối phó với tình trạng cồng kềnh và quan liêu trong bộ máy nhà nước. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản giảm số lượng bộ, ngành từ 23 xuống còn 13, đồng thời sáp nhập các cơ quan có chức năng tương đồng để tăng tính tập trung và hiệu quả trong quản lý. Quá trình này được thực hiện trên cơ sở pháp lý rõ ràng, với các tiêu chuẩn và chỉ số đo lường cụ thể để đánh giá kết quả hoạt động của từng cơ quan hành chính.

Tại Việt Nam, phát biểu  tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 13-2-2025, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Hiện nay, ngân sách quốc gia đang dành tới 70% cho chi thường xuyên, bộ máy quá cồng kềnh. Muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng mà trông cậy vào 30% thì không có cách nào khác là phải tinh gọn.

Trước đó, trong bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu thực trạng: Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng là bước đi tất yếu để Việt Nam nâng cao năng lực quản trị quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thời đại. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, đây là việc rất khó, thậm chí rất khó, nhưng Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm

(Còn nữa)

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Thượng táNguyễn Văn Hoan, Thượng tá Phan Văn Cấp - (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị)