Việc tặng quà trong dịp Tết là một nét đẹp trong truyền thống của người Việt. Từ thuở xa xưa, ông cha ta đã từng căn dặn “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”. Quà Tết ngày xưa thông thường chỉ là cặp bánh chưng, cân giò, hộp mứt…để gửi gắm nghĩa tình trong đó. Thế nhưng, gần đây, việc tặng quà Tết đã bị biến tướng, trở thành việc “trả ơn”, “chia chác”, “lại quả”.

Trước kia, chúng ta thấy người đi biếu quà thường tay xách nách mang, túi lớn túi nhỏ, bây giờ thay vào đó là những phong bì đựng tiền, có khi dày cộp. Thậm chí có cựu Bí thư Tỉnh ủy khai trước tòa rằng, đã nhận va ly tiền biếu Tết, trong đó có 5 tỷ đồng...

Từ nhiều năm nay, năm nào gần đến Tết thì T.Ư cũng có Chỉ thị về việc cấm biếu quà Tết. Mới đây nhất, trong Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11-12-2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 đã ghi rất rõ rằng: “Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”. Thế nhưng trên thực tế, việc biếu quà Tết vẫn diễn ra dưới hình thức này, hình thức nọ. Chẳng hạn như “lách luật” đến cơ quan với danh nghĩa làm việc để “thưởng”, “có tấm lòng thành”… Việc dễ thấy nhất ở một số cơ quan trong dịp giáp Tết là rất nhiều xe ô tô đến “làm việc” nhưng thực chất là biếu quà Tết. Cũng có cán bộ, trong năm đầu mới nhận chức kiên quyết từ chối quà Tết, nhưng đến năm sau thì  không thể thực hiện được vì việc biếu, nhận quà Tết không phải là bối cảnh của hai người mà đã trở thành câu chuyện của cả xã hội. Thậm chí, đã có người “nhắc nhở khéo” cán bộ này là “lập dị”...

Để ngăn chặn tình trạng biến quà Tết thành “lại quả”, cần phải có giải pháp đồng bộ và cương quyết. Ngoài việc nêu cao tính tự giác, chấp hành nghiêm quy định của T.Ư, cần phải quy rõ trách nhiệm cũng như sự gương mẫu đối với người đứng đầu trong các cơ quan  trong việc "nói không" với việc nhận  quà biếu Tết từ cấp dưới hoặc với  các đối tác trong các mối quan hệ làm ăn. Cần có thêm quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm khắc, mạnh tay hơn nữa đối với người vi phạm.Hình thức xử lý kỷ luật khi phát hiện cán bộ, công chức vi phạm có thể là miễn nhiệm, cách chức, thuyên chuyển công tác hoặc buộc thôi việc. Thậm chí đối với các hành vi nhận quà Tết bằng vật chất tài sản có giá trị lớn hoặc bằng số tiền lớn, xét thấy có dấu hiệu của hành vi tham nhũng, hành vi nhận hối lộ nhằm để bao che, "chiếu cố", bỏ qua hoặc "tiếp tay" cho các hành vi sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn cần phải được điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm để răn đe, nêu gương.Mặt khác cũng cần có cơ chế khuyến khích người dân, nhất là các CCB giám sát hành vi nhận quà Tết trái quy  định  tại cơ quan, địa phương mình.  

Quà Tết không xấu, tặng quà Tết đúng nghĩa càng nhân văn và tốt đẹp, chỉ lo những gói quà Tết biến tướng, không phải là “quà” mà là “lại quả” mà thôi.

Đỗ Phú Thọ