Vừa qua, Bộ Chính trị có Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (viết tắt là Quy định). Sau đó Ban Tuyên giáo Trung ương có Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW ngày 3-7-2024 thực hiện Quy định, với 5 điều dễ nhớ, dễ thuộc; nhưng phải nói ngay là khó thực hiện, nếu như thiếu những giải pháp hữu hiệu kèm theo.
Cho dù Quy định được đánh giá là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW của Trung ương (Khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, văn minh”.
Những người quan tâm đến công tác chỉnh đốn Đảng, dễ nhận ra, dường như đây là giai đoạn mới của cuộc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bởi, 5 điều trong quy định đều có trong di sản về Tư tưởng Hồ Chí Minh, tất cả đảng viên đều được quán triệt, học tập suốt 20 năm qua. Vấn đề mấu chốt là làm sao 5 điều tại quy định dễ làm (dễ trở thành hiện thực). Đây là vấn đề khó, dù “dễ nhớ, dễ thuộc” nhưng cả 5 điều đều là “định tính”, hơn là “định lượng” - đây là nguyên nhân dẫn đến khó thực hiện.
Xin bàn tới điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm “Đời sống mới” (3-1947). Người giải thích rất rõ và coi đó là “tứ đức”. Không chỉ làm rõ nội hàm của “cần, kiệm, liêm, chính”; sau này, trong nhiều tác phẩm khác, Hồ Chí Minh còn khẳng định “tứ đức” đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu, với ý nghĩa: Cần, kiệm, liêm, chính như là ánh sáng của đạo đức con người; còn tham ô, lãng phí, quan liêu như là bóng tối của sự suy thoái. Trong “Sổ vàng” của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) còn lưu bút của Người: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Gần 20 năm (từ năm 2006 đến nay), Đảng ta mở cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đều nhắc đến yêu cầu này.
Các thế hệ cán bộ, đảng viên đều thuộc. Vấn đề là thực hành giữa nói và làm thì chúng ta còn rất yếu. Xin không nêu thêm số liệu cán bộ, đảng viên (kể cả cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay bị kỷ luật; chỉ biết rằng khâu thực hành rất khó.
Tình trạng cán bộ, đảng viên (kể cả cấp cao, cấp chiến lược) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" sa vào quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, chạy chức chạy quyền, độc đoán, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước vẫn là một “thách thức” của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tất cả do “lòng tham không đáy”. Nhận ra điều này, trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói những câu gan ruột: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!”. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”; hoặc “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Cùng với học tập, quán triệt; Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đáng tiếc như chúng ta đã thấy, với những người có “Gen” tham lam, thì dường như không bao giờ biết đủ. “Chủ nghĩa vật chất” luôn cuốn họ vào “xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Có thể “định lượng” được điều 3, về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tuy nhiên, sẽ không có ý nghĩa, tác dụng nếu không tiến tới một bước nữa, là đổi mới cách “giám sát” quyền lực, “giám sát đời sống” của cán bộ, đảng viên. Xin nếu ví dụ: Đảng đã quy định kê khai tài sản thì lẽ ra phải giám sát được đối tượng phải kê khai; nhưng trong thực tế nhiều tổ chức Đảng đã không làm được, dẫn đến một quy định rất nghiêm túc của Đảng lại trở nên “xa xỉ”, dẫn đến kỷ luật của Đảng không còn được nghiêm nữa.
Chính vì thế mà tháng 3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban nhân sự đã phải lưu ý: Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIV những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
“Cần, kiệm, liêm, chính” rõ ràng là phải được giám sát hơn là kêu gọi chung chung.
Thịnh Quang