Vụ án bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDTX)huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên truy tố theo Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với mức hình phạt 5 năm tù giam. Vụ án đang được dư luận cả nước quan tâm, số đông cho rằng với mức án như thế là quá nặng.  

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên, trong quá trình làm Giám đốc Trung tâm GDTX từ năm 2012 đến 2017, bà Lê Thị Dung đã chỉ đạo, chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng không trình Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nghệ An theo quy định. Đã có nhiều khoản chi không đúng quy định, thanh toán trùng nhiều lần gây thiệt hại cho ngân sách số tiền hơn 48 triệu đồng (tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa, khi luận tội đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng). Trong đó, có khoản chi tiền phụ cấp Cấp ủy và định mức tiết dạy (3 tiết/tuần) dành cho chức danh Bí thư Chi bộ của bà Lê Thị Dung là thanh toán trùng, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, ngay trong hồ sơ vụ án quá trình điều tra đã chứng minh: “Quy chế chi tiêu nội bộ” của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên được xây dựng công khai, minh bạch. Việc thanh toán các khoản được thực hiện theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và đã diễn ra nhiều năm, thực hiện đúng quy trình thanh toán. Cụ thể,Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên đã gửi bảng thanh toán cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi. Và trong suốt thời gian chi từ năm 2012 đến 2017, không có cơ quan chức năng chuyên môn nào cho rằng việc chi trên là sai quy định. Hoặc đưa ra cảnh báo tương tự đối với việc chi trên. Đây là một trong những lý do khiến cho Giám đốc Trung tâm, cũng như bộ phận chuyên môn tin rằng: Các mục chi đó đều đúng quy định của pháp luật.

Trong điều tra, cũng như qua xét hỏi, đối đáp, tranh luận công khai tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, người bị buộc tội, bà Lê Thị Dung không nhận tội với lý do: Bản “Quy chế chi tiêu nội bộ” được xây dựng theo đúng quy trình, được chắp bút dự thảo bởi bộ phận tham mưu có chuyên môn về kế toán tài chính và được bàn bạc công khai, thống nhất giữa các phòng, ban có liên quan. Quan trọng là việc thực hiện các khoản chi của bà Dung trên cơ sở đệ trình từ phía phòng, ban chuyên môn. Hơn nữa, không chỉ bản thân bà Dung không được hưởng lợi ích riêng, mà tất cả các giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm đều được hưởng theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ đã ban hành.

Hội đồng Xét xử huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù, vì cho rằng bà Lê Thị Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả.

Qua sự việc trên, vấn đề đặt ra là:

Về mặt tội danh “Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ” mà cơ quan tố tụng huyện Hưng Nguyên đã áp dụng đối với bà Lê Thị Dung theo chúng tôi còn có sự khiên cưỡng, bởi các lẽ sau:

Dấu hiệu đặc trưng của tội “Lợi dụng dụng chức vụ khi thi hành công vụ” là “Làm trái công vụ”. Qua các tài liệu có được trong vụ án này, thì bà Dung không làm trái trong việc ký ban hành bản “Quy chế chi tiêu nội bộ” của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên. Bởi theo quy định tại Khoản 9, Điều 3 Thông tư liên tich số 71/2014/TTLT-BTC-BNV thì: “Quy chế chi tiêu nội bộ” do thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ ban hành sau khi có ý kiến tham gia của Công đoàn và phải được công khai trong toàn cơ quan, phải gửi đến Kho bạc Nhà nước, nơi cơ quan mở tài khoản giao dịch để kiểm soát chi theo quy định…”.  

Như vậy, cơ quan tố tụng cần xem xét bị cáo Lê Thị Dung đã thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng “làm trái công vụ” trong việc ban hành “Quy chế chi tiêu nội bộ” tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên hay không. Bởi bản “Quy chế chi tiêu nội bộ” này đã được công khai cho toàn cơ quan được biết và gửi cho đến kho bạc nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi đã được thực hiện đầy đủ. Còn về việc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên có buộc phải gửi bản “Quy chế chi tiêu nội bộ” cho Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An hay không (quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT) cũng cần phải xem xét. Bởi đến nay, chưa có văn bản nào khẳng định rõ: Trung tâm GDNN-GDTX là đối tượng điều chỉnh của thông tư 28/2009/TT-BGDĐT.

Hơn nữa,khi xây dựng bản “Quy chế chi tiêu nội bộ” tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, bà Dung là thủ trưởng cơ quan, quản lý chung. Như vậy có thể thấy, nếu bản “chi tiêu nội bộ” này sai quy định, thì bộ phận chuyên môn sẽ phải là nơi phải chịu trách nhiệm chính. Tất nhiên bà Lê Thị Dung cũng có trách nhiệm trong đó, nhưng chỉ là lỗi vô ý, thiếu trách nhiệm. Lỗi này là do tin vào bộ phận chuyên môn tư vấn, cũng như tin vào việc nhiều năm qua chi là đúng vì cơ quan chuyên môn kiểm soát hoạt động chi này không có ý kiến gì.

Vậy tại sao khi truy tố bà Lê Thị Dung, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên không cân nhắc áp dụng tội danh khác, tương xứng với hành vi của bà Lê Thị Dung, đó là tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự, mà lại quy kết bà Dung phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khi cả quá trình từ ban hành quy chế, đến chi nhiềunăm liền đều công khai, minh bạch, có báo cáo các cơ quan chức năng chuyên môn tại địa phương?

Mặt khác, bà Lê Thị Dung phê duyệt chi theo “Bản quy chế chi tiêu nội bộ” không vì cá nhân cho riêng mình. Số tiền được cho là “thất thoát” trong gần 10 năm không lớn, chỉ gần 45 triệu đồng; không có tính chất nguy hiểm cho xã hội. Soi chiếu về hành vi, hậu quả trong vụ án này, thì bà Lê Thị Dung tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng không có tính chất nguy hiểm cho xã hội.  

Từ viện dẫn này, bà Lê Thị Dung hoàn toàn có quyền được thụ hưởng Khoản 2, Điều 8 của Bộ luật Hình sự hiện hành với kết luận: Đây không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Thế nhưng rất tiếc, bà Lê Thị Dung đã bị cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên khởi tố theo Khoản 2, về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” với khung hình phạt 5 năm đến 10 năm tù. Phải chăng, đây là sự vô cảm tư pháp?

Chính vì vậy, chúng tôi cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân rất mong chờ một bản án với đầy đủ tính khách quan, toàn diện và đúng pháp luật đối với bà Lê Thị Dung trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.  

Khoản 2, Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định: “Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

LS. Thế Sơn