Vụ việc học sinh Trường Ischool Nha Trang ngộ độc, thực sự gây chấn động dư luận. Chứng kiến hàng trăm học sinh trên giường bệnh (trong đó có một em tử vong), Hiệu trưởng Phạm Hữu Bình bần thần, đau xót, ân hận vì chưa làm tròn trách nhiệm. Đúng là bàng hoàng và đây là nỗi đau chung.

Ngày 23-11, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” xảy ra tại trường, sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm. Vụ việc đang được điều tra, tránh phỏng đoán, suy diễn.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao một trường chất lượng cao như Ischool Nha Trang vẫn xảy ra vụ việc đau lòng? Chuỗi cung ứng thực phẩm như thế nào? Có “sân trước, sân sau” trong việc đấu thầu cung cấp thực phẩm hay không? Và công tác thanh tra, kiểm tra lâu nay làm hay bỏ ngỏ?

Theo như ông Phạm Hữu Bình nói, thì nhà trường ký hợp đồng với người bên ngoài cung cấp bữa ăn hằng ngày cho học sinh. Tuy nhiên, theo dư luận thì Ischool Nha Trang chỉ là một chi nhánh trong chuỗi hệ thống Trường Ischool miền Trung, ký kết hợp đồng với cơ sở cung cấp bữa ăn cho học sinh của trường là của  Ischool miền Trung mà Ischool Nha Trang chỉ là cơ sở chấp hành. Đó là chưa nói kiểm định, kiểm tra an toàn thực phẩm hằng ngày là của ngày y tế địa phương; rồi Ngành thương binh - xã hội; chính quyền địa phương từ tỉnh đến phường, xã… Với cách quản lý rườm rà, nhiều cấp, nhiều ngành như thế thật khó mà chặt chẽ được.

 Vụ ngộ độc ở Ischool Nha Trang không phải là duy nhất, dù là nghiêm trọng nhất. Vụ việc gióng lên “hồi chuông” về ngộ độc thức ăn, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân “gốc” là công tác thanh tra, kiểm tra không quy vào một đầu mối.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Đó là những vụ việc được phát hiện. Tình hình chung là hằng ngày chúng ta đều phải ăn để tồn tại và không ai biết đã mang chất độc gì vào người. Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, đây là một nguyên nhân làm cho bệnh ung thư ở Việt Nam ngày càng nhiều, bệnh nhân ung thư ngày càng “trẻ hóa”.

Về thực phẩm không an toàn, ngoài nguyên nhân do đất đai, không khí, thức ăn ô nhiễm; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển... không đảm bảo đảm, con do chính người sản xuất, buôn bán “hám lợi” bất chấp đạo lý.

Trong số các vấn đề còn bất cập, phải kể đến quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn bị hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi; thực phẩm chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu.

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ, ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên không cao. Trong thực tế thì không nước nào đủ lực lượng thanh tra, kiểm tra nếu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố ý không chấp hành luật pháp, không có trách nhiệm với đồng loại.

  Để kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh vệ sinh ATTP. Năm 2010, Pháp lệnh được nâng lên thành Luật (Luật số 55/2010/QH12). Ban Bí thư (Khóa XI) cũng có Chỉ thị 08-CT/TW. Tuy nhiên, công tác quản lý, đưa luật vào cuộc sống còn rất khó khăn.

Trở lại vụ ngộ độc ở Ischool Nha Trang, ngoài việc điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể; chấn chỉnh công tác quản lý ATTP trong trường học; ngày 21-11, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP Khánh Hòa có văn bản số 4722/BCĐLNATTP về việc tăng cường đảm bảo ATTP, phòng, chống NĐTP tại các bếp ăn tập thể. Với vụ việc đã xảy ra là quá muộn, nhưng là cần thiết để phòng ngừa chung.

Cục ATVSTP từng khuyến cáo, Ngành Giáo dục cần tích cực phối hợp với ngành Y tế để vận hành hệ thống tự kiểm tra ATVSTP đối với bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, khuyến cáo các trường học nên tự tổ chức bếp ăn tập thể để kịp thời giám sát ATVSTP. Đối với các trường sử dụng suất ăn chế biến thì phải đảm bảo từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu có thiết bị bảo quản nóng, lạnh) và trường hợp không có thiết bị bảo quản thì thời gian không quá 2 giờ. Đặc biệt, phải kiểm soát chuỗi cung ứng, vì lợi nhuận, rất dễ coi thường dinh dưỡng và an toàn của học sinh.

Về măt vĩ mô, tình trạng “một mâm cơm, nhiều bộ quản” diễn ra trong thời gian quá dài. Đã đến lúc, đi đôi với đề cao giá trị đạo đức, văn hóa trong việc cung cấp thực phẩm, suất ăn cho các trường học phải thống nhất một đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm.

            Từ Tâm