Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An.

Tám tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội (KTXH) tỉnh Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng thời gian tới, dự báo Nghệ An sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An có cuộc trao đổi với phóng viên Báo CCB Việt Nam về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Đồng chí Phó chủ tịch có thể cho biết tình hình KTXH của Nghệ An trong 8tháng năm 2022, khi tỉnh nhà khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 để lấy lại đà tăng trưởng?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cùng với việc sớm kiểm soát được dịch Covid-19 và chuyển trạng thái nhanh nên các hoạt động KTXH trên địa bàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường; tất cả các ngành, lĩnh vực đã có sự phục hồi rõ nét. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước đạt 8,44%, xếp thứ 18 các tỉnh, thành trong cả nước. Thu ngân sách 8 tháng đầu năm đạt 13.794 tỷ đồng, bằng 92% dự toán và bằng 111,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất nông nghiệp giữ được ổn định, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 138.405 tấn, tăng 5,63% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 299/411 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực dịch vụ được phục hồi mạnh, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng ước tăng 42,39%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12,8%; tổng lượt khách du lịch tăng 211% và doanh thu du lịch tăng 332%...

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh bảo đảm kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định.Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

PV: Thưa Phó chủ tịch, tỉnh Nghệ An đã tập trung thực thi những giải pháp nào để có kết quả đó?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Đạt được kết quả đó là nhờ cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong chỉ đạo điều hành, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó xác định 6 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 148 nhiệm vụ cụ thể. Thành lập 5 tổ công tác của tỉnh, do các Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo thúc đẩy các ngành, lĩnh vực.

Hai là, thực hiện nghiêm các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.Hỗ trợ phục hồi tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Ba là, đẩy mạnh toàn diện cải cách hành chính, “tập trung chuyển đổi số một cách nhanh chóng, toàn diện nền hành chính - công vụ mà trước hết các thủ tục hành chính, hoạt động dịch vụ công”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương châm: “Nhanh - Đúng - Hiệu quả” trong các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tất cả đều hướng đến sự thuận lợi cho các nhà đầu tư.

PV: Điểm yếu nhất ảnh hưởng không tốt đến các lĩnh vực kinh tế của Nghệ An hiện nay là gì? Liệu khả năng khắc phục trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Khó khăn nội tại của tỉnh vẫn còn nhiều; trước hết là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt các hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu, sân bay quốc tế. Đây là hai nút thắt cơ bản được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay. Trong tháng 7 vừa qua, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng, tháo gỡ giúp tỉnh nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, tỉnh phải thực hiện tốt 3 dự án chiến lược về hạ tầng giao thông:Quy hoạch, nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh; đầu tư cảng biển nước sâu Cửa Lò; tuyến đường bộ nối từ Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn. Tỉnh đang tập trung triển khai để hoàn thành thủ tục đầu tư 3 dự án này trong năm 2022.  

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế,nhưng trong 8 tháng đầu năm 2022,  Nghệ An cấp mới cho 77 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng; điều chỉnh 73 lượt dự án, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 31.170 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số dự án cấp mới tăng 24,2%, tổng vốn cấp mới tăng 36,69%. Lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 580 triệu USD...

PV: Nghệ An đã có phương án nào để tăng tốc thu hút đầu tư trong các tháng cuối năm và những năm sau?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Nghệ An tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau đây:

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Trong giải quyết thủ tục hành chính, phải thực hiện phương châm “Nhanh, đúng, hiệu quả”. Trên tinh thần “Tôn trọng - lắng nghe - thấu hiểu”, tăng cường gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam như: Jetro (Nhật Bản), Kotra, KCCI, Korcham (Hàn Quốc)... Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, nâng cấp dịch vụ công cấp độ 4 để minh bạch thông tin, quy trình xử lý hồ sơ. Tập trung hoàn thành, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố, thị xã giai đoạn 2021-2030.  

Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

PV: Chính quyền tỉnh và cá nhân ông đánh giá như thế nào về hoạt động và đóng góp của lực lượng CCB Nghệ Anđối với đời sống KTXH của tỉnh trong thời gian qua?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Phải ghi nhận lực lượng CCB Nghệ An thời gian qua phát huy được vai trò là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân; có những đóng góp rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KTXH của tỉnh. Hội CCBtỉnh Nghệ An tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ CCBgiữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, có nhiều cách làm hay, sáng tạo; vươn lên giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, đóng góp chung vào sự phát triển KTXH.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó chủ tịch về cuộc trao đổi này và chúc cho KTXH tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Thế Sơn thực hiện