Đó là tâm sự của Cựu Thanh niên xung phong Trần Quốc Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh. Về nghỉ hưu đã gần chục năm nay nhưng khi có ai gợi chuyện nói về Thủy lợi của tỉnh nhà là anh mê mải, đắm sâu trong nhiều kỷ niệm…
Cái duyên bắt đầu có lẽ từ làng Yên Hồ bên bờ sông La, nơi anh sinh ra và lớn lên, học hết cấp 3 thi đậu vào đại học Thủy Lợi nhưng vẫn tình nguyện lên đường gia nhập Thanh niên xung phong đi phá đá, mở đường, san lấp hố bom. Những năm 71,72; chiến trường miền Nam vào giai đoạn ác liệt, rất cần sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc; kẻ địch đã tìm mọi cách để ném bom, bắn phá ngăn chặn sự chi viện của hậu phương qua những cung đường trọng điểm. Tuyến đường chiến lược 21, nơi tổng đội thanh niên xung phong N53 của anh làm nhiệm vụ phải thường xuyên hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn, địch đánh phá ác liệt, nhất là trận vào hồi 7h ngày 18/9/1972 trên toàn tuyến đường 21, phá hủy 54 xe ô tô chở hàng ra mặt trận, làm 11 nam, nữ TNXP N53 hy sinh. Phải chứng kiến nhiều đau thương, mất mát, nhưng tất cả vẫn kiên cường bám trụ, sẵn sàng hy sinh để thông đường cho xe ra tuyền tuyến. Khi Hiệp định Pa ri được ký kết, kẻ địch phải chấp nhận ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, anh xin đơn vị ra quân để bước tiếp chặng đường vào đại học.
Anh Hùng kể lại: “ mấy năm làm nhiệm vụ trên những cung đường ác liệt, bài vở đã quên đi rất nhiều, tưởng không theo được; nhưng cứ nghĩ mình còn được sống, được đi học, phải cố gắng để xứng đáng với sự hy sinh mất mát của anh em đồng đội… Tốt nghiệp vào loại giỏi, anh được Bộ Thủy Lợi điều động về làm việc tại Ty Thủy lợi Nghệ - Tĩnh. Từ đây những tên gọi như Linh Cảm, Bộc Nguyên, Hồ Kẻ Gỗ; rồi sông Rác, sông Tiêm, sông Trí, Rào Trổ bắt đầu in dấu chân anh. Những dự án cho các hồ, đập chứa nước ở Hà Tĩnh ngày càng cuốn hút anh vào công việc. Trèo rừng, lội suối, vào tận ngọn nguồn để kiểm tra đánh giá tác động của thiên tai, bão lũ; sức chịu đựng của các hồ chứa, lên phương án xây dựng, phòng chống. Những năm đầu tách tỉnh, hệ thống thủy lợi tưới tiêu của ta cũng đã có nhưng chưa được đáp ứng; phải đến khi có thêm các công trình sông Rác, sông Tiêm, sông Trí, Rào Trổ; đặc biệt là công trình Hồ chứa nước Ngàn Trươi thì việc tưới tiêu của nông nghiệp tỉnh nhà gần như được phủ sóng. Với 345 hồ đập, 350 hệ thống trạm bơm lớn nhỏ, thủy lợi đã cơ bản chủ động hoàn toàn việc tưới tiêu. Càng làm, càng đi sâu vào hệ thống thủy lợi, anh càng thấy đam mê công việc. Cho đến năm 2002, được giao nhiệm vụ giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách mảng thủy lợi, anh đã cùng đội ngũ những người làm thủy lợi góp công vào việc xây dựng quy hoạch chiến lược của ngành Thủy lợi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có những nội dung quan trọng, như việc đánh giá mục tiêu của Thủy lợi không chỉ dừng lại ở việc tưới tiêu mà nhắm đến Thủy lợi phục vụ đa mục tiêu; cụ thể: phục vụ Nông nghiệp, Công nghiệp, Môi trường, du lịch và Chăn nuôi. Trước đây các hồ chứa đã được hình thành nhưng chưa đề cập đến phục vụ đa mục tiêu; nếu quy hoạch tổng thể sau khi được phê duyệt, một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là tận dụng tối đa nguồn nước ngọt, làm thêm một số hồ chứa, bảo đảm an sinh nguồn nước bền vững; quy hoạch các cống xả lũ, cống ngăn mặn, ngọt từ các cửa sông. Do khí hậu ngày càng cực đoan, việc phòng chống phải luôn được đi trước. Sau 30 năm tách tỉnh, ngành Thủy lợi Hà Tĩnh đã đóng góp được nhiều công trình quan trọng, hiện đại hóa, bền vững hóa, đảm bảo hệ thống tưới tiêu phục vụ cho ngành nông nghiệp và hướng đến phục vụ đa mục tiêu. Tuy nhiên, điều trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ trong ngành Thủy lợi là hệ thống tiêu thoát, chống ngập úng chưa thật sự đồng bộ, vững chắc; nên mỗi khi có lũ lụt, mưa lớn là nhiều nơi còn ngập úng cục bộ…
Trở lại câu chuyện về thanh niên xung phong, tôi dò hỏi anh Hùng: “ Có phải vì gắn bó với tuyến đường 21 những ngày còn ở Tổng đội mà anh đi tìm cho mình một cuộc mưu sinh ngay trên chính tuyến đường đầy thử thách này? Anh Hùng cười, nụ cười sảng khoái như bộc lộ những suy tư được dấu kín từ lâu nay…” Chắc hẳn là như vậy, thời trẻ ông trời cho cái duyên làm thủy lợi, giờ về nghỉ chế độ muốn trở lại “ chiến trường xưa “ để khai phá những gì mình còn ấp ủ…
Khu vườn của anh Hùng rộng hơn 2 ha, có đầy đủ hoa trái các loại như Cam, Bưởi, Thanh Long, hồ sen, hồ nuôi cá; chăn nuôi bò, gà và nuôi ong lấy mật; gần đây xây dựng thêm bể bơi, hồ tắm, khu vui chơi thể thao, dịch vụ ăn uống; vườn nằm ngay giữa Ngã ba Bò vàng, cạnh tuyến đường chiến lược 21, nơi anh đã cùng đồng đội thanh niên xung phong cống hiến cả một thời trai trẻ. Anh Hùng đúc kết kinh nghiệm: có được hoa thơm quả ngọt đều là thành quả từ lao động, sáng tạo; vì khi mới lên đây còn hoang sơ lắm, cây cằn, đá sỏi, đi lại khó khăn, anh em đồng đội lên chơi đã bảo tôi đổi tên sang “ anh Khùng “… thế rồi 10 năm, bằng sự lao động cần cù, chịu khó; phát huy truyền thống tốt đẹp của thanh niên xung phong mở đường thắng lợi, không ngại hy sinh gian khổ đã giúp anh vượt qua khó khăn, biến mảnh đất hoang sơ, sỏi đá thành khu sinh thái du lịch, có đầy đủ các dịch vụ thu hút người dân từ thành phố. Ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh cho biết: “ Hiện nay trang trại của đồng chí Hùng đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, là nơi hội tụ của tình đồng đội. Đồng chí Hùng đã tham gia ba khóa liền là ủy viên BCH hội, hiện là ủy viên BTV, trưởng Ban kiểm tra khóa IV nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí rất tận tâm, nhiệt tình và trách nhiệm với Hội, với anh em đồng đội thanh niên xung phong, đặc biệt là tấm gương về lao động, sáng tạo và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ...
Bài và ảnh: Lê Anh Thi