Vật liệu xây dựng tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay.
Do biến động của thị trường nên từ đầu năm đến nay, hầu hết loại vật liệu xây dựng trên cả nước tăng giá khiến cho Ngành Xây dựng, doanh nghiệp và người dân đang xây dựng công trình, nhà ở lo lắng.
Đua nhau tăng giá
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10-15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với cuối năm. Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… rơi vào khoảng 18.000-19.000 đồng/kg.
Từ giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán. Vicem Hải Vân điều chỉnh thêm 50.000 đồng/tấn với các loại xi măng bao và rời, xi măng Wallcem từ ngày 22-6. Cùng với Tân Quang - VVMI và Vicem Hoàng Thạch, các doanh nghiệp này nằm trong nhóm có mức điều chỉnh giá thấp nhất đợt này. Các đơn vị như Norcem, Cẩm Phả, Hạ Long, Quang Sơn... đều đặt bước giá 70.000-100.000 đồng/tấn cho đợt điều chỉnh lần này. Đây là lần thứ ba trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán. So với hai đợt trước, điều chỉnh gần đây nhiều hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp. Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng chọn tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị điều chỉnh.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đang ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh, sửa chữa nhà ở của doanh nghiệp và người dân. Ông Trần Quang Chính, Giám đốc công ty xây dựng Quang Chính chia sẻ: Đây là thời điểm làm ăn gặp nhiều khó khăn, nhưng giá cả nguyên vật liệu lại đua nhau tăng càng thêm khó khăn hơn. Để giảm bớt rủi ro thiệt hại, công ty phải thuyết phục khách hàng ký hợp đồng theo từng giai đoạn hoặc hợp đồng mở, tức nhà đầu tư cùng chia sẻ khoảng chênh lệch với công ty khi giá nguyên liệu tăng cao.
Còn ông Lê Quang Tấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Hà Nội cho biết: Với tình hình giá cả vật liệu có xu hướng tăng cao như hiện nay, công ty đã phải tính toán và điều chỉnh lại toàn bộ các công trình đang thi công để hạn chế tối đa sự thua lỗ. Đồng thời, công ty cũng đang xem xét lại các dự án mới chứ không dám ký hợp đồng dài hạn như trước kia. Chi phí tăng cao không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng mà ngay cả việc đầu tư cũng sẽ bị giảm sút, kéo theo đó là sự tác động không tốt đến thị trường bất động sản.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều người dân cũng đang phải tính toán lại kế hoạch sửa chữa nhà ở. Bà Lê Thị Hương, phường Quang Trung, quận Hà Đông thở dài: “Trong tháng 5, vợ chồng tôi định, sơn sửa và lát lại toàn bộ gạch nền của căn nhà một trệt một lầu, thăm hỏi giá cả vật liệu đâu vào đấy ước tính số tiền dao động khoảng 40 triệu đồng. Thế nhưng vì lu bu công việc, đến đầu tháng 6 mới bắt tay vào làm nhà được. Lúc này, bảng báo giá các loại vật liệu đều tăng lên 2-3 mức. Sửa xong căn nhà, tổng số tiền đã phát sinh thêm so dự kiến gần 60 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Minh Thành - nhà thầu vật tư công trình xây dựng tại quận quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội chia sẻ: Do ký hợp đồng với chủ nhà từ trước, đến thời điểm hiện tại chuẩn bị thi công thì giá xi măng, cát, đá, thiết bị điện… đồng loạt tăng. “Bình quân, nếu thi công một căn nhà 1 trệt 1 lầu với giá thành như hiện tại, tôi sẽ lỗ từ 70 đến 100 triệu đồng. Chưa kể, xăng tăng giá, mướn thợ cũng đắt hơn trước đây” - ông Thành cho biết.
Cần có chính sách bình ổn giá cả
Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhiều vật liệu xây dựng tăng giá mạnh là do nhu cầu về xây dựng tăng cao sau Tết. Nhu cầu về vật liệu xây dựng càng tăng cao khi nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2022 như dự án sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc Bắc - Nam và các tuyến vành đai khác. Một yếu tố khác cũng tác động lên lĩnh vực vật liệu xây dựng là xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, tạo thêm áp lực tăng giá trên nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng.
Để hạn chế những tác động tiêu cực trước đà tăng giá nguyên vật liệu xây dựng như hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan khẩn trương thực hiện các biện pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng. Cụ thể tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15-4-2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình xây dựng nói chung và đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Võ Hóa