Thiếu tướng  Đỗ Thanh Phong.

Thời gian qua, công tác tư tưởng đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường quan điểm, bồi dưỡng và phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ; chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong các đơn vị và toàn quân. Để hiểu rõ về những biện pháp thực hiện công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, thực tế cũng cho thấy, quản lý tư tưởng là công việc khó khăn, nhất là với chiến sĩ mới từ môi trường bên ngoài vào quân đội - những thanh niên đang quen sống tự do, được gia đình chăm lo, bao bọc từ những việc nhỏ. Đồng chí nhận định về những khó khăn này của các đơn vị như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong: Qua theo dõi, nắm bắt và kiểm tra công tác tư tưởng ở các đơn vị thì thấy, thực tế thanh niên nhập ngũ những năm gần đây có vóc dáng và trình độ học vấn cao hơn trước, nhưng sức bền, khả năng chịu đựng yếu hơn. Do lúc ở nhà ít vận động, ít lao động chân tay; thời gian sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để tham gia mạng xã hội và chơi điện tử nhiều, dẫn đến thừa “sống ảo” nhưng thiếu kỹ năng sống thực…

Điều khiến đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp huấn luyện lo lắng là việc tiếp cận nhiều thông tin xấu độc, không đúng sự thật từ internet, cùng những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm của thanh niên mới nhập ngũ. Đã có những chiến sĩ có hiện tượng trầm cảm, tự kỷ, tâm lý căng thẳng, lo âu thái quá và không chịu chia sẻ với ai... dẫn đến vi phạm kỷ luật, thậm chí xảy ra vụ việc rất đáng tiếc. Diễn biến tư tưởng, tâm lý của chiến sĩ cũng rất nhanh, có khi buổi chiều vẫn nói cười vui vẻ nhưng đến tối đã buồn rầu, chán nản sau khi nhận được thư hoặc điện thoại từ người thân, hay đơn giản chỉ vì bị cấp trên, đồng đội phê bình...  

PV: Thực tế ở nhiều đơn vị, kinh nghiệm được rút ra là triển khai phân loại tư tưởng để nắm, quản lý bộ đội ngay từ khi mới về đơn vị. Đề nghị đồng chí phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong: Một kinh nghiệm ở đơn vị cơ sở - cấp trung đội là phân loại chất lượng chính trị, tư tưởng chiến sĩ ngay từ khi mới nhập ngũ. Đồng thời chủ động phát hiện, dự báo diễn biến tư tưởng của chiến sĩ để có biện pháp giáo dục, định hướng tư tưởng kịp thời, chính xác. Ở các đơn vị, hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất thân từ nhiều vùng, miền khác nhau nên có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý, tình cảm, suy nghĩ khác nhau nên công tác quản lý và giải quyết tư tưởng bộ đội phải hết sức sát thực và cụ thể. Một trong những công việc đầu tiên của các đơn vị khi tiếp nhận quân là rà soát chất lượng chính trị, tư tưởng của chiến sĩ mới một cách hệ thống theo một quy trình chặt chẽ, nhưng không cứng nhắc..

Tương tự như vậy, đối với sĩ quan trẻ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan cũng cần phải có biện pháp phân loại, quản lý tư tưởng, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề tư tưởng nảy sinh.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về những cách làm của các đơn vị trong việc nắm, quản lý tư tưởng bộ đội?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong: Có thể thấy mỗi đơn vị đều có những cách làm riêng, sáng tạo để phù hợp với tình hình, đặc điểm đơn vị mình. Điểm chung là cấp ủy, chỉ huy các cấp, đội ngũ cán bộ đều rất quan tâm, sâu sát trong triển khai thực hiện công tác tư tưởng; phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và tổ 3 người giúp chiến sĩ tự tin giãi bày suy nghĩ, tâm tư; hiểu thêm về nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Để làm tốt công tác tư tưởng, từ nhiều năm qua, Cục Tuyên huấn phát hành nhiều tài liệu, hướng dẫn. Trong đó đáng chú ý là cuốn sách: “100 tình huống tư tưởng có thể nảy sinh ở đơn vị và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở”. Quá trình vận dụng, đội ngũ cán bộ cơ sở đã có sự linh hoạt, sáng tạo, không rập khuôn máy móc và đã đạt hiệu quả thiết thực.

PV: Thưa đồng chí, thực tế thì các đơn vị trong toàn quân đã có những mô hình, cách làm tiêu biểu nào trong việc nắm, quản lý tư tưởng bộ đội?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong: Đã có nhiều cách làm hay trong nắm bắt, giải quyết tư tưởng chiến sĩ, như tại một số đơn vị thuộc Quân đoàn 2 duy trì sinh hoạt “Tâm tình đồng đội” sau giờ ăn cơm chiều. Trước đây, thời gian sinh hoạt tổ 3 người chỉ 5 phút, nhưng Quân đoàn thí điểm mô hình sinh hoạt “Tâm tình đồng đội” 15 phút để các chiến sĩ có thêm thời gian trao đổi, tâm sự với nhau. Không chỉ trao đổi về việc huấn luyện, rèn luyện mà còn cả chuyện gia đình, tình yêu, tâm lý, sức khỏe...  

Còn ở Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 có cuốn “Cẩm nang dành cho tiểu đội trưởng”, để được trong túi áo, gồm hai phần: Một số tình huống và cách xử trí của tiểu đội trưởng, và hướng dẫn tiểu đội trưởng thực hành một số nhiệm vụ. Trong đó, tiểu đội trưởng được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các nội dung, nhất là những biện pháp, cách thức để nắm bắt diễn biến tư tưởng và giải quyết tư tưởng của chiến sĩ. Đặc biệt là 30 tình huống thường gặp, như: Tiểu đội trưởng làm gì khi chiến sĩ bị người yêu chia tay? Cách xử trí khi bố mẹ của chiến sĩ bất hòa, ly hôn; cần làm gì khi thấy chiến sĩ có biểu hiện buồn chán, trầm tư?... Còn Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 có mô hình “5 chủ động trong công tác tư tưởng” và  nhiều cách nắm bắt, giải quyết tư tưởng rất sát thực hiệu quả nữa ở các đơn vị trong toàn quân

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Nguyễn Pháp (thực hiện)