Bà Xủn-thon Xay-nha-chắc - Đại sứ Lào tại Việt Nam tiếp cụ Nguyễn Văn Khuông.

Nghe tin cụ Khuông và gia đình (nhà số 186 phố Vọng, Thanh Xuân, Hà Nội) sang thăm Lào vừa về theo lời mời của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào, tôi liền đến thăm. Ngồi bên cạnh chiếc bàn bày kín các kỷ vật của chuyến đi mà các địa phương tặng, cụ Khuông kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại làng Tướng Loát, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Bố tôi phải đi tha phương cầu thực, làm thuê, làm mướn khắp nơi. Năm 1921, nhờ một người làng tốt bụng đang sinh sống ở Sầm Nưa của nước Lào đưa sang kiếm sống; mẹ tôi vẫn ở quê nuôi dạy hai chị tôi. Ngày 10-8-1922, tôi cất tiếng khóc chào đời. Năm 1930, tôi được cha đón sang Sầm Nưa để tiện việc dạy dỗ, ăn học… Khi ấy ở đây chưa có lớp dạy chữ Việt, tôi phải đi học trường dạy chữ Lào. Thế rồi năm tròn 18 tuổi, bố tôi đưa tôi về quê lấy vợ. Cưới xong, vợ chồng tôi lại sang Sầm Nưa…

Năm 1944, tại Sầm Nưa có hơn 400 Việt kiều sinh sống. Thầy giáo Nguyễn Hữu Hanh và ông Bùi Ngọc Tuệ đã thành lập Hội Ái hữu Việt kiều ở Sầm Nưa. Khi Nhật đảo chính Pháp, Công sứ Pháp có ý đồ phá hủy nhà máy điện và nhà thương ở đây, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ phối hợp với bạn tập hợp thanh niên và phụ trách công tác bảo vệ. Rồi tổ chức Hội theo dõi tình hình trong nước, tập hợp giáo dục, giác ngộ thanh niên, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh cho bà con Việt kiều. Tháng 10-1945, tôi và anh Trần Văn Kính được tổ chức cử đón đội Việt Minh do đồng chí Lê Hiến Mai, đồng chí Anh Đệ, đồng chí Tuấn Sơn tiến vào giải phóng Sầm Nưa…

Ngày 27-2-1947, Trung đoàn Tây Tiến được thành lập, tôi và 24 thanh niên Việt kiều ở Sầm Nưa được gia nhập một đại đội của Trung đoàn. Trong 10 năm công tác tại Trung đoàn Tây Tiến, tôi được phân công nhiều nhiệm vụ: Lúc làm chiến sĩ trực tiếp cầm súng, sát cánh cùng bạn giải phóng nhiều vùng thuộc tỉnh Hủa Phăn, trong đó có thị xã Sầm Nưa…; khi làm cán bộ hậu cần, lúc được điều sang làm phái viên liên quân Việt - Lào, tham gia Đội vũ trang tuyên truyền Lào Bắc, do đồng chí Kay-sỏn Phôm-vi-hẳn làm Đội trưởng, lúc làm phiên dịch trong các buổi tiếp xúc của cán bộ Trung đoàn Tây Tiến với cán bộ, nhân dân Lào, trong các buổi làm việc của lãnh đạo hai tỉnh Hủa Phăn và Sơn La và trong Đại hội thành lập Chính phủ kháng chiến Lào…

Năm 1957, cơ quan “Biên phòng A1” tạm giải thể, tôi và một số đồng chí biệt phái viên được đưa về nước và được cử đi học văn hóa tại Trường bổ túc Công Nông T.Ư, rồi được chuyển ngành, cử đi học chuyên môn Ngành Ngân hàng… Năm 1967, công tác tại Ban Công tác Miền Tây ở Sơn La.

Một kỷ niệm khó quên trong đời là năm 1968, thực hiện văn bản ký kết giữa hai tỉnh Hủa Phăn và Sơn La, tôi được cử sang Lào, phối hợp cùng bạn vận động, tổ chức đưa 35 học sinh Lào còn rất nhỏ của hai huyện Mường Son và Xiềng Khọ, sang học tập tại Sơn La và tự nguyện làm công tác chăm sóc các cháu. Học xong cấp 2, có cháu đi học trung cấp chuyên môn, có cháu tiếp tục học lên, nhưng đều trưởng thành và đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước Lào. Năm 1981, tôi nghỉ hưu, tham gia công tác tại địa phương, vui cùng con cháu.

Tháng 5-2001, thông qua Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi hiến tặng lại Bảo tàng Kay-sỏn 15 tấm ảnh quý và chiếc đèn tọa đăng của Ban Cán sự huyện Xiềng Khọ. Chiếc đèn đồng đã từng phục vụ đồng chí Kay-sỏn Phôm-vi-hẳn những năm 1948-1949 và một số đồng chí trong Chính phủ kháng chiến Lào khi đi công tác qua Mường Son năm 1952.

Sau khi về hưu, không ngờ, tôi đã được các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Lào cùng hoạt động du kích năm xưa hoặc mới trưởng thành, ba lần mời sang thăm Thủ đô Viêng Chăn và các nơi hoạt động trong hai cuộc kháng chiến.

Lần thứ nhất, từ ngày 1 đến 18-1-2002, do đồng chí Thoong-sinh Thăm-ma-vông - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào, Bí thư kiêm Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn (sau này, có thời gian là Thủ tướng Lào) mời hai vợ chồng tôi. Trong chuyến đi này, đích thân đồng chí Thoong-sinh Thăm-ma-vông cùng Phu nhân dùng máy bay trực thăng đưa chúng tôi về thăm Mường Son, Xiềng Khọ, Na Kay, Sầm Nưa. Trước đó, trong chuyến sang làm việc tại Hà Nội, ông bà Thoong-sinh đã đến tận nhà thăm gia đình tôi.

Lần thứ hai, từ ngày 16 đến 22-6-2010, do đồng chí May-súc Say-sôm-pheng, một người bạn cùng hoạt động năm xưa, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng NDCM Lào, nguyên Chủ tịch Mặt trận Xây dựng đất nước Lào mời, có một người con rể đi cùng.

Tháng 10-2009, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào, Trung tướng Sản-nha-hat Phôm-vi-hẳn, sang Hà Nội dự hội thảo nhân 60 năm Ngày Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Tôi được Trung tướng mời cơm thân mật; sau đó, cuối tháng 10-2010, tôi lại nhận được giấy mời do đích thân đồng chí ký mời tôi và gia đình sang thăm lại chiến trường xưa.

Tôi không thể nói hết cảm xúc của bản thân và gia đình, chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Quân đội Lào. Đặc biệt cảm ơn nhân dân Lào đã sinh ra những người con ưu tú, rất mực thủy chung, tình sâu, nghĩa nặng. Mong cho tình hữu nghị Việt - Lào đời đời bền vững mà lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công xây đắp qua bao thế hệ.

Nguyễn Văn Thế ghi theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Khuông