Để xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, nhiều cuộc hội thảo đã được các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước tổ chức. Nhìn chung, những vấn đề được nêu ra tại các cuộc hội thảo đều rất thiết thực và rất có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, một khái niệm và nhận thức sáng rõ hơn vẫn rất cần thiết để định hướng cho những cố gắng của chúng ta trong việc hoạch định chiến lược nói trên.
Nhà nước pháp quyền là một khái niệm của phương Tây. Người Anh - Mỹ gọi là “The rule of law”- sự cai trị của pháp luật. Người Pháp gọi là “Etat de droit”- nhà nước của pháp luật. Mặc dù, còn có một số lập luận khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi của khái niệm này là: nhà nước pháp quyền là một mô thức tổ chức đời sống xã hội trong đó pháp luật giữ vị trí thống trị.
Sự thống trị của pháp luật được thể hiện trên hai khía cạnh: Pháp luật bảo vệ các quyền con người; pháp luật khống chế quyền lực của người cầm quyền hay nói cách khác là khống chế quyền lực của nhà nước.
Để bảo vệ các quyền con người và khống chế quyền lực nhà nước, thì quyền lực phải bị hạn chế bởi nhiệm kỳ, bị phân chia ra thành các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, và các nhánh này phải kiểm soát lẫn nhau. Ngoài ra, quyền lực còn bị phân chia giữa các cấp chính quyền để các cấp này cũng kiểm soát lẫn nhau.
Với một khuôn khổ khái niệm như vậy, tôn giáo và nguồn của pháp luật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhà nước pháp quyền. Nhiều quy phạm pháp luật về quyền con người và đặc biệt về sự kiểm soát quyền lực của nhà nước đều có nguồn gốc từ luật của Nhà thờ và được Thiên Chúa giáo áp đặt cho nhà nước (cho nhà vua). Sở dĩ Thiên Chúa giáo áp đặt được cho nhà nước là vì trong lịch sử phát triển của nhiều nước châu Âu, Ki tô giáo đã từng có sức mạnh tương đương với nhà nước. Một người muốn lên làm vua phải được Nhà thờ phê chuẩn bằng thủ tục đăng quang. Ở những nước nguồn của pháp luật chỉ là những mệnh lệnh do vua (nhà nước) ban hành thì không thể có các quy phạm khống chế quyền lực của vua. Ngoài ra, nếu có các quy phạm như vậy, mà lại không có một thế lực bên ngoài nhà nước đủ mạnh để áp đặt thì có cũng như không. Chính vì vậy, những nước có tôn giáo yếu, mà nhà nước lại rất mạnh như Nga, Trung Quốc… thường chỉ có thể xây dựng được nhà nước pháp trị hơn là nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp trị là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhà nước pháp quyền là nhà nước bị pháp luật điều chỉnh (bị pháp luật cai trị). Nhà nước pháp trị là nhà nước cai trị bằng pháp luật (chứ không phải bằng mệnh lệnh nhất thời hoặc bằng tấm gương đạo đức).
Mọi tấm huy chương đều có hai mặt, nhà nước pháp quyền theo khuôn khổ khái niệm của phương Tây cũng vậy. Một số quyền con người được đề cao và bảo đảm như quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, quyền tư do kinh doanh, tự do sáng tạo… là rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển và đạt được sự giàu có. Tuy nhiên, cũng có một số quyền con người nếu bị lạm dụng trong điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội chưa chín muồi lại hoàn toàn có thể tạo ra bất ổn, can qua và đổ vỡ. Kinh nghiệm của “Mùa xuân Ả Rập”, thậm chí của Ucraina gần đây cho chúng ta thấy rất rõ điều này.
Việc khống chế quyền lực nhà nước bằng cách phân quyền và buộc các quyền lực nhà nước phải kiếm soát lẫn nhau cũng vậy. Một mặt, cách làm này giúp chống lại sự lạm quyền, nhờ đó bảo vệ được quyền con người. Nhưng mặt khác, việc quyền lực bị phân mảng và các quyền lực phủ quyết lẫn nhau vô tận lại hoàn toàn có thể làm cho nền quản trị quốc gia trở nên bế tắc, quy trình ban hành quyết định trở nên khó khăn, tốn kém. Sự phủ quyết lẫn nhau thường xuyên giữa Tổng thống, Quốc hội và Tòa án ở Mỹ cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Đó là chưa nói tới những rủi ro về văn hóa. Đối với văn hóa của người Việt chúng ta, phủ quyết nhau như vậy là rất không hay, là rất dễ dẫn đến xung đột và đổ vỡ. Ngoài ra, các nhà lý thuyết về phân quyền còn quên mất một điều rất quan trọng khác. Đó là các quyền con người bị xâm hại không chỉ bởi nhà nước mà còn bởi rất nhiều chủ thể khác, trong đó có cả các nhà nước ngoại bang. Một nhà nước yếu vì quyền lực bị phân chia thì khó có thể đứng ra bảo vệ và tạo điều kiện để các quyền con người được thực thi.
Những phân tích như trên dẫn chúng ta đến mấy nhận thức quan trọng dưới đây:
Nhà nước pháp quyền theo khuôn khổ khái niệm của phương Tây cần những điều kiện lịch sử và văn hóa nhất định để hình thành. Không có các điều kiện đó hoặc các điều kiện đó chưa hội đủ, việc xây dựng nhà nước pháp quyền là rất khó khăn.
Nhà nước pháp quyền có những ưu điểm rất lớn, nhưng cũng có những nhược điểm không hề nhỏ. Nhiều nước đã trở nên giàu có và phát triển nhờ đi theo mô hình nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, số những nước theo mô hình nhà nước pháp quyền mà vẫn nghèo đói và bất ổn cũng nhiều vô kể. Tuyệt đối hóa mọi chuẩn mực về nhà nước pháp quyền của phương Tây không nhất thiết là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp cho những cố gắng đổi mới và cải cách thể chế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chúng ta cần tìm cách phát huy những ưu điểm, nhưng đồng thời khắc phục những hạn chế của mô hình nhà nước pháp quyền theo khuôn khổ khái niệm của phương Tây. Ngoài ra, mọi chuẩn mực của nhà nước pháp quyền đều cần phải được tiếp thu và áp dụng phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của nước ta. Kinh nghiệm cho thấy việc tiếp thu các mô hình, các chủ thuyết của nước ngoài một cách thiếu cân nhắc, thiếu chọn lọc là rất rủi ro.
Cố gắng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo khuôn khổ khái niệm của nước ngoài nhiều khi sẽ rất giống với việc cố gắng “gọt chân cho vừa giày”. Hợp lý hơn và thiết thực hơn là chúng ta cần nhận biết những vấn đề đang đặt ra cho nền quản trị quốc gia của mình và tìm cách áp dụng những chuẩn mực phù hợp của nhà nước pháp quyền để giải quyết.
Trước khi thúc đẩy cải cách để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền CNXH Việt Nam, làm chủ những nhận thức nói trên là rất quan trọng. Chúng sẽ giúp định hướng chính xác cho những cố gắng của chúng ta.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng