LTS: Trung tướng Đoàn Chương là một vị tướng từng trải trận mạc và là một nhà lý luận quân sự có uy tín. Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo CCB Việt Nam trân trọng giới thiệu một bài viết còn trong di cảo của Trung tướng Đoàn Chương về vấn đề chọn thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam của lãnh đạo Đảng ta và vai trò của cố Tổng Bí thư.
Lịch sử là lịch sử, nó không chấp nhận chữ “nếu”. Nhưng về mặt khoa học, cần thiết lật đi lật lại vấn đề để càng sáng tỏ hơn ngọn nguồn, hay nhìn nhận toàn diện hơn, thấu đáo hơn về nó.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản quang vinh, nhân dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích lịch sử của thế kỷ XX là đánh thắng tên đế quốc đầu sỏ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ đi lên CNXH.
Ngày nay, trước những biến động phức tạp cục diện thế giới, sau mấy chục năm nhìn lại, nếu năm 1975 ta chưa giải phóng miền Nam thì chưa biết đất nước sẽ đi đến đâu; chưa biết bao giờ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc mới thực hiện được!
Sau Chiến tranh thế giới thứ II có ba nước bị chia cắt. Đến nay một nước vẫn còn bị chia cắt, đó là Triều Tiên và tình hình còn nhiều ẩn số, khó lường trước. Hai nước đã thống nhất, nhưng mỗi nước một vẻ. Nước Đức thống nhất với sự bán đứng thành quả cách mạng của bè lũ phản bội quốc tế và trong nước. Duy chỉ Việt Nam được thống nhất tốt đẹp, đúng với danh từ ấy, trên cơ sở một chiến công giải phóng vang vọng toàn cầu. Ở đây, bản lĩnh cách mạng, việc sáng tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Dựa trên học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo “lấy nhỏ thắng lớn”, Người đã đề ra phương lược thần kỳ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Nhưng làm thế nào sáng tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ như thế nào là cả vấn đề lớn, phức tạp.
Trong những năm chiến tranh, ta thường mở tiến công lớn trên toàn chiến trường miền Nam vào dịp bầu cử ở Mỹ để tiện đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và ngoại giao như Tết Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược 1972 và đã thực hiện được mục tiêu chiến lược bước một “Đánh cho Mỹ cút”. Bây giờ (1974) tính sao đây: Đợi đến 1976 mới mở cuộc tổng tiến công mới? Hay sớm hơn, hoặc chậm lại để giành bất ngờ chiến lược? Các nhà hoạch định kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu đang bàn luận tìm giải pháp tối ưu. Giữa lúc ấy có điện mời ra gặp anh Ba (Bí thư thứ nhất Lê Duẩn) ở Đồ Sơn để “bàn về tình hình và nhiệm vụ sắp tới”.
Ngày 21-7-1974 trở thành ngày lịch sử. Từ sáng sớm, các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn (Phó Tổng tham mưu trưởng) và các đồng chí Võ Quang Hồ (Cục phó Cục Tác chiến) đến gặp anh Ba đúng điểm hẹn, dù phải đi riêng để giữ bí mật. Suốt một buổi sáng, anh Ba đề xuất, khêu gợi và lắng nghe khá kỹ về tình hình các mặt, các chiến trường: Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ, phong trào đô thị… Đến chiều, anh Ba tập trung phát biểu suy nghĩ của mình về thời cơ chiến lược, về kế hoạch chiến lược, vừa khêu gợi và trao đổi với các đồng chí Bộ Tổng Tham mưu.
Đồng chí Hoàng Văn Thái lược ghi lại ý anh Ba nói:
“…Nhìn vấn đề Việt Nam phải nhìn chung cả Đông Dương và Đông Nam châu Á. Nếu trước đây ta cho rằng Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam chỉ nhằm tăng thêm một khâu trong mắt xích chiến lược bao vậy phe ta ở Viễn Đông, thì nay vấn đề Việt Nam và Đông Dương càng nổi lên trong vùng Đông Nam châu Á, một vùng mà nhiều nước… đều có ý đồ tranh giành ảnh hưởng. Đã có lúc họ tưởng rằng Mỹ có thể dùng quân sự làm chủ miền Nam Việt Nam. Nhưng nay Mỹ đã thua, đã phải rút quân. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho Mỹ yếu đi rõ rệt. Trong khi đó, các nước khác có ý đồ đối với vùng Đông Nam châu Á đều chưa mạnh và chưa sẵn sàng. Họ rất sợ ba nước Đông Dương thắng lợi và mạnh lên. Vấn đề đặt ra với ta là làm sao tạo được thời cơ để giành thắng lợi sớm hơn; thắng ngay trong lúc các nước đó chưa sẵn sàng can thiệp…
Ta cần nghiên cứu cách đánh thắng như thế nào, phải thắng to, thắng nhanh để ngụy không kịp trở tay, các nước có ý đồ không kịp can thiệp.
Muốn đánh lớn, đánh nhanh, thắng to, phải tạo nên sức mạnh mới, dùng từng quân đoàn tiêu diệt sư đoàn địch. Nhiều nước hiện nay cho rằng: Ta không có khả năng tổ chức lược lượng và cơ động nhanh, cũng tức là ta không có hoặc chưa có khả năng đánh lớn. Ta cần suy nghĩ làm sao dứt điểm trong một thời gian ngắn. Như vậy sẽ tạo được bất ngờ đối với ngụy, với Mỹ, mà cả đối với các nước khác đang có ý đồ xấu xa đối với Đông Dương và Đông Nam Á…” (Đại tướng Hoàng Văn Thái - “Những năm tháng quyết định”, Nxb QĐND. H.1990).
Thật là một phát hiện sắc sảo về thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam, phát hiện của người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược rộng, biết “nhìn quanh chân trời” để tìm ra quyết sách sáng suốt như Bác Hồ dạy.
Kế hoạch chiến lược về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chính là xuất phát từ ý tưởng chiến lược sắc sảo ấy.
Lịch sử không lặp lại, nhưng không gạt bỏ những nét tương đồng.
Năm 1945, Đảng ta đã sáng suốt chỉ rõ: Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh và trước khi quân Đồng minh vào là thời cơ tốt nhất để khởi nghĩa giành chính quyền. Nhờ thế mà Cách mạng Tháng Tám diễn ra nhanh gọn và thành công tốt đẹp.
Ba mươi năm sau, sau khi quân Mỹ rút ra và thế lực khác chưa sẵn sàng can thiệp là thời cơ thích hợp nhất và thuận lợi nhất để giải phóng miền Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chứng minh hùng hồn cho phán đoán chiến lược sắc sảo đó…
Ngày 10-7-2001
Trung tướng Đoàn Chương - (Trích “Trung tướng Đoàn Chương - Sự nghiệp -gia đình - bè bạn”, Nxb QĐND, H. 2011)