Dấu hiệu nhận biết bệnh lao.
Lao vẫn là một căn bệnh gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh truyền nhiễm. Đáng báo động, các làn sóng dịch Covid-19 tại Việt Nam đã làm giảm tỷ lệ phát hiện bệnh lao xuống hơn 20%. Và chính việc người dân ngại dịch bệnh, không đi khám lao, đã đẩy lùi thành quả của Chương trình Chống lao Quốc gia quay về cột mốc của 5 năm về trước.
Theo số liệu thống kê năm 2021, Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc lao, trong đó có hơn 10.000 người tử vong mỗi năm chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Covid-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng đến nay, bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức khi lao là kẻ giết người thầm lặng.
Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn, từ khi phát bệnh đến khi tử vong đã lây sang rất nhiều người. Phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Tháng 12-2021, được Bệnh viện Phổi Hải Dương chẩn đoán bị lao phổi cần được điều trị kịp thời, anh N.T.N, 35 tuổi ở huyện Nam Sách (Hải Dương) không nghĩ mình mắc lao phổi bởi thời gian trước anh có dấu hiệu ho kéo dài, sụt cân, tức ngực khó thở nhưng nghĩ do công việc lao động vất vả, ăn nghỉ không điều độ.
Khi có biểu hiện ho ra máu, anh N. đi khám giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Đến nay, sức khỏe của anh N. đã ổn định; anh yên tâm tiếp tục lĩnh thuốc điều trị tại địa phương với mong muốn mau chóng khỏi bệnh, không để lây lan cho gia đình và cộng đồng.
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng kéo dài, cộng với tâm lý e ngại của người dân trước đại dịch dẫn đến số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh. Các hoạt động khám phát hiện chủ động bệnh lao không thể thực hiện, việc phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc… đều gặp khó khăn. Nhiều người mắc bệnh lao không tiếp cận được kịp thời dịch vụ hỗ trợ khiến bệnh nặng, thậm chí tử vong.
Anh Nguyễn Văn Cường - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi Hải Dương cho biết: Trong chống lao có hai việc quan trọng nhất là phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và điều trị để cắt đứt nguồn lây thì chúng ta đều gặp khó do dịch bệnh Covid-19 tác động.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ với căn bệnh này; tình trạng bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng trầm trọng, xuất phát từ những thói quen điều trị mang tính tự phát hiện khá phổ biến trong cộng đồng. Thói quen của người Việt Nam khi ho, hắt hơi, sổ mũi thì việc đầu tiên là ra hiệu thuốc mua và sẽ được kê kháng sinh, dẫn đến việc nhiều người bị lao mà không biết và dùng kháng sinh không phù hợp, dẫn đến lao kháng thuốc.
Để đạt được kế hoạch năm 2022 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các cấp chính quyền và chung tay của cộng đồng nhằm phát hiện các trường hợp lao, kịp thời điều trị với kết quả cao. Quan trọng là người dân cần có ý thức phát hiện sớm các triệu chứng ho kéo dài, sốt, chủ động đến cơ sở y tế, để điều trị cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm.
Thành An