Chiến sự xảy ra giữa Nga và Ukraine rõ ràng là điều cả hai nước không mong muốn vì tổn thất lớn nhất thuộc về họ chứ không phải bất kỳ quốc gia nào. Trong khi chiến sự đang diễn ra, những “thầy dùi” bên ngoài lại lợi dụng cơ hội này để làm gia tăng căng thẳng chứ chẳng phải thiện chí vì hoà bình.
Đưa quân vào Ukraine để thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Nga nêu điều kiện rút quân khi Ukraine đầu hàng, sửa hiến pháp để khẳng định vị trí trung lập khi sẽ không xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)… để có sự bảo đảm an ninh cho mình. Ngay lập tức, Mỹ và các nước trong NATO kịch liệt lên án Nga, dùng mọi biện pháp cấm vận có thể, để khiến Moscow suy yếu, nhưng vẫn lập lờ không trả lời nguyện vọng xin gia nhập NATO của Ukraine hay không can thiệp quân sự vào cuộc chiến ở đây.
NATO giữ đúng lập trường khi không đưa quân vào Ukraine, vì nước này không phải là thành viên NATO. Thế nhưng, việc NATO và Mỹ hỗ trợ quân sự đối với Ukraine có được hiểu như họ can dự vào cuộc chiến ở trên bình diện quân sự hay không lại là câu hỏi cần câu trả lời chi tiết. Việc hỗ trợ với các thiết bị quân sự hiện đại và số lượng lớn có thể được phía Nga hiểu NATO đã phạm luật và như vậy sẽ là một cuộc chiến lớn hơn giữa Nga và NATO. Nếu thế, theo phía Nga, chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ nổ ra và đó sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thật nguy hiểm cho thế giới.
Trong khi kịch bản xấu đó chưa diễn ra, hãy xem các “thầy dùi” làm gì. Ngày 12-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Nước này sẵn sàng đàm phán ngoại giao với Nga nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine nếu như Kiev xem điều này là hữu ích. Nghe qua thì tưởng như sẽ sớm có đàm phán nhưng đọc kỹ thì mới thấy lo cho chính Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Washington ủng hộ rộng rãi giải pháp ngoại giao nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga, đồng thời đang nỗ lực để đưa Ukraine vào vị thế đàm phán mạnh mẽ nhất có thể bằng cách tăng cường sức ép trừng phạt đối với Moscow và cung cấp vũ khí cho Kiev”.
Vậy là, Mỹ mong muốn hai bên đàm phán nhưng là khi Kiev có lợi thế đàm phán trên chiến trường với vũ khí của Mỹ. Bao giờ điều này sẽ xảy ra? Chắc chắn sẽ không thể sớm diễn ra và tổn thất lại thuộc về Nga và Ukraine chứ không phải bên “thầy dùi”. Nói là làm, Tổng thống Mỹ - Joe Biden ngày 12-3, chỉ thị cho Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken phụ trách cung cấp khoản viện trợ quốc phòng trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cả hoạt động đào tạo và huấn luyện quân sự. Mỹ đã viện trợ 1 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2021. Cuối tháng 2-2022, Nhà Trắng phê duyệt gói viện trợ trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, bao gồm hàng trăm tên lửa phòng không Stinger. Trong gói chi tiêu 1.500 tỷ USD cho năm tài khóa hiện hành được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 10-3 có điều khoản cung cấp 13,6 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó khoảng 6,5 tỷ USD được chuyển cho Bộ Quốc phòng Mỹ để cơ quan này có thể triển khai quân đội tới khu vực và gửi thiết bị quốc phòng tới Ukraine.
Không chỉ bơm tiền và vũ khí vào Ukraine, Mỹ cũng “bật đèn xanh” cho mong muốn gia nhập NATO của Ukraine. Ngày 12-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Washington luôn tuyên bố nhất quán rằng sẽ không gây sức ép đối với Ukraine hay bất cứ quốc gia nào về việc đồng ý gia nhập hay không gia nhập NATO. Bài toán về việc gia nhập NATO của Ukraine lại được nhắc lại đúng lúc Ukraine muốn từ bỏ mong muốn này bởi nó là một lý do khiến xung đột xảy ra.
Tất nhiên, trong khi bị các lực lượng Nga tấn công, Ukraine sẽ tiếp nhận mọi sự hỗ trợ của phương Tây. Thế nhưng, chính cách hỗ trợ vũ khí và hứa suông của các “thầy dùi” là nguyên nhân dẫn tới xung đột.
Thanh Huyền