Một thời gian sau khi gửi tập thơ “Bức tranh quê” dự thi. Một hôm, nữ sĩ Anh Thơ (quê gốc Ninh Giang, Hải Dương) bỗng nhận được giấy mời về Hà Nội nhận giải thưởng “Tự Lực văn đoàn”. Thật là một sự kiện rất đặc biệt! Nhà thơ trẻ hết sức xúc động, mừng vui khôn xiết. Nỗi vui lớn quá khiến cô gái 19 tuổi nhiều đêm không thể ngủ.

Gần đến ngày lĩnh thưởng, Anh Thơ chuẩn bị từ Thái Bình lên Hà Nội từ mấy hôm trước. Cô ở nhờ người bà con ở phố Hàng Bún. Và cũng ở đây, nhờ có cô em làm “cố vấn”, lần đầu tiên nữ sĩ trẻ - tác giả “Bức tranh quê” vận áo dài quần trắng theo mốt thị thành. Cô cũng búi tóc, đi dép cao, tay cầm ô hệt một thiếu nữ thành phố để đi nhận thưởng. Đây cũng là lần đầu tiên Anh Thơ bước chân đến một tòa soạn báo. Trong lòng cô hết sức hồi hộp.

Cô đến nơi, vừa từ xe chân bước xuống, nữ sĩ thấy một người đàn ông cao gầy, nhanh nhẹn, mang kính đen từ trong tòa soạn bước ra đón khách. Người đàn ông giơ tay bắt tay Anh Thơ - đấy là một cử chỉ tân tiến thời bấy giờ, thường chỉ có trong sự giao tiếp ở giới trẻ cấp tiến nơi thành thị. Khốn nỗi, nhà thơ trẻ từ bé chỉ sống ở nông thôn trong một gia đình phong kiến, vốn ít giao tiếp nên cô không quen bắt tay. Thế nên, thay vì đưa tay bắt đáp lễ, Anh Thơ lại lúng túng dúi cái ô cho “Ông kính đen”. Và con người lịch lãm này tỏ ra rất thấu hiểu, ông ta ung dung cầm lấy chiếc ô, thoáng một nét cười nghịch ngợm, rồi điềm nhiên treo ô vào mắc áo, đoạn lịch sự giơ tay mời nhà thơ trẻ ngồi vào bàn, còn ông thì ngồi xuống cạnh nữ sĩ.

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ấy, nhưng Anh Thơ vẫn còn nhớ. Lúc ấy, nữ sĩ được mời ngồi gần chỗ Ban Giám khảo, trước mặt cô, người ta đặt một cái bánh gatô rất to có hàng chữ nổi bằng kem xanh: Nữ sĩ Anh Thơ. Ngồi bên trái cô là một người đàn ông cao gầy, ít nói nhưng có đôi mắt rất hóm. Còn “Ông kính đen” ngồi bên phải thì luôn mỉm cười lịch sự như khuyến khích nhà thơ trẻ. Sau này Anh Thơ mới biết, những người đang ngồi cùng hàng ghế với nữ sĩ đều là những tác giả đã rất nổi danh. Người gầy gầy là Tú Mỡ. Còn “Ống kính đen” chính là cây bút nổi tiếng, một trong những nhân vật chính của Tự Lực văn đoàn thời bấy giờ, nhà thơ Thế Lữ.

Buổi trao giải thưởng vừa trang trọng vừa đầm ấm. Sau khi nhà thơ Tú Mỡ đọc lời chào mừng, nhà văn Mạnh Phú Tư (1913-1959) cũng quê Thanh Hà, Hải Dương đoạt giải thưởng văn xuôi tập tiểu thuyết “Làm lẽ” phát biểu cảm tưởng. Đến lượt Anh Thơ, nữ sĩ lúng túng đứng dậy, đỏ mặt, trống ngực đổ hồi, nói ấp úng được đôi lời cảm ơn. Rồi chợt nghĩ đến mẹ, đến các em và chị Hai - những người đã hết lòng khuyến khích, ủng hộ cô làm thơ để có kết quả này, xúc động quá, cô ứa nước mắt, đứng lặng không nói gì được nữa.

Giải thưởng cho “Bức tranh quê” là một khoản tiền 30 đồng. Tính ra, giá gạo ngày ấy 2 đồng một tạ thì số tiền trên có giá trị tương đương với 15 tạ gạo. Đây là một số tiền lớn mà Anh Thơ chưa từng có. Với số tiền thưởng đó, nhà thơ đã không quên mua những món quà tặng người thân. Cô mua biếu bà ngoại một cối giã trầu. Ông Tú (cha đẻ Anh Thơ) nhận một chiếc cặp da ngoại rất mốt, chị Hai có túi xách còn các em được kẹo bánh, cả đến cô sen cũng được tấm quần lĩnh. Nữ sĩ còn dành sắm cho mình một bộ cánh tân thời để từ nay có đi đâu cô khỏi phải mượn bạn bè.

Từ đó, tao đàn Sông Thương đất Kinh Bắc gồm Bàng Bá Lân, Xích Điểu,

Đào Dương, Thanh Ngà… giờ có thêm Anh Thơ xuất hiện muộn nhưng lại thành đạt hơn cả.

Lê Hồng Thiện (st biên soạn)