Siêu biến thể Omicron lại dội gáo nước lạnh vào nỗ lực chống Covid-19 của cả thế giới.

Thế giới đã kinh qua nhiều đại dịch chết người, nhưng rồi các nhà khoa học cũng sớm tìm ra cách hiệu quả để bảo vệ hiệu quả. Vậy nhưng, đã gần 2 năm kể từ khi những ca bệnh Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc, tới nay vẫn chưa thấy loại vắc-xin, thuốc hay phương pháp chống dịch nào có thể được coi là hình mẫu để các nước cùng áp dụng.

Ứng phó với đại dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử khoa học bởi dịch lây qua đường hô hấp và liên tục có những biến thể mới ngày càng lây lanh nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thống kê tới nay cho thấy, toàn thế giới đã có hơn 631 triệu ca nhiễm và hơn 5,2 triệu người tử vong vì Covid-19. Có người cho rằng, số người tử vong như vậy chưa thấm vào đâu so với con số của các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, nếu chưa biết khi nào đại dịch sẽ chấm dứt cùng ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế toàn cầu và sức khoẻ của con người trong tương lai, thì so sánh như vậy quá khập khiễng.

Việc nhanh chóng bào chế các loại vắc-xin đang được sử dụng hiện nay để ngừa Covid-19 được đánh giá là một thành công lớn trong các nỗ lực chống lại đại dịch. Theo cách chống dịch thông dụng hiện nay, các quốc gia nỗ lực tiêm vắc-xin tới tỷ lệ 70 tới 80% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Vắc-xin đã phát huy tác dụng trong việc bảo vệ tính mạng con người khi nó giúp ngăn các ca nhiễm virus trở nặng và giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Tới giữa tháng 11-2021, tin vui lan khắp thế giới khi nhiều nước công bố “mở cửa” trở lại, cho phép người dân giữa các vùng, quốc gia đi lại nếu họ đã được tiêm chủng đẩy đủ. Vui hơn khi các số liệu thống kê cho thấy ở châu Phi - châu lục có các nền kinh tế yếu và tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất thế giới lại là nơi ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch Covid-19, xua đi nỗi lo lắng của các nhà khoa học cho các quốc gia trong châu lục này. Đặc biệt, càng vui hơn khi ở Nhật Bản, biến thể Delta của virus-SAR-CoV-2 dường như đã “tự tiêu diệt”.

Ấy nhưng, "ngày vui ngắn chẳng tày gang" khi biến thể Omicron của virus lại được khẳng định ngày 26-11, ngày thứ Sáu đen tối. Sự xuất hiện của Omicron chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa ấm giữa mùa đông lạnh giá. Israel - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất và sớm nhất thế giới, thậm chí đã chủ động tiên phong tiêm mũi thứ ba cho người dân, đã vội vã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đóng cửa trước Omicron. Hàng loạt các quốc gia đã phát đi cảnh báo, đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tới những nước có sự xuất hiện của biến thể Omicron. Những cảnh báo như vậy là cần thiết bởi với kinh nghiệm chống dịch gần hai năm qua, các quốc gia sẽ chờ các nhà khoa học tìm hiểu hơn nữa về biến thể này trước khi đưa ra các quyết định mới.

Vậy bên cạnh việc tiêm vắc-xin, áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan của virus, mô hình nào là tốt nhất để vừa chống dịch, vừa thông thương để tránh sụp đổ nền kinh tế hay hệ thống y tế quốc gia? Trong khi các nước đều nỗ lực để tái mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc - nơi những ca bệnh Covid-19 đầu tiên được công bố - lại là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay áp dụng mô hình “đóng cửa chống dịch” hay còn gọi là Zero Covid-19 khi áp dụng các biện pháp truy vết để chống dịch và đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Trung Quốc theo đuổi chiến lược này bởi các nhà khoa học nước này cho biết: Nếu Trung Quốc áp dụng phương pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 theo kiểu Mỹ, nước này sẽ ghi nhận tới 630.000 ca nhiễm mỗi ngày, trong đó sẽ có 10.000 ca bệnh nặng. Điều này sẽ khiến hệ thống chăm sóc y tế của Trung Quốc bị quá tải và gây ra thảm họa cho quốc gia đông dân nhất thế giới. Do vậy, Trung Quốc chưa thể sẵn sàng áp dụng các chiến lược "mở cửa" chỉ dựa vào giả thuyết về miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng - vốn được một số nước phương Tây ủng hộ. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc - Chung Nam Sơn lập luận: "Trong cuộc chiến đối phó các sự kiện y tế cộng đồng toàn cầu, Trung Quốc chú trọng đến quyền con người cao nhất: Đó là quyền được sống và quan trọng hơn là quyền được khỏe mạnh. Mọi người đeo khẩu trang, hạn chế các hoạt động một cách có ý thức và hợp tác với công tác xét nghiệm PCR để giảm sự lây lan của virus".

Trung Quốc là một quốc gia có diện tích lớn, số dân lớn và nền kinh tế mạnh nên có đủ sức theo đuổi chiến lược trên. Thế nhưng, phương pháp chống dịch kiểu bị động Trung Quốc chắc chắn không phải là xu thế chung ở thời điểm này. Trong thời đại toàn cầu hoá, việc đóng cửa một quốc gia quá lâu chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xấu về nhiều mặt và cũng chỉ để ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của virus với quốc gia đó. Hợp tác, nghiên cứu ra vắc-xin, thuốc chữa trị và các biện pháp chống dịch chủ động cho toàn cầu mới là giải pháp tổng thể để giúp thế giới của chúng ta đỡ mong manh trước đại dịch.

Thanh Huyền