Đồng chí Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ tại Hội nghị.

Sáng 19-11, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) cho các cơ quan báo chí. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại T.P Hồ Chí Minh.

Dự Hội nghị có các đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương cùng lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị của Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cho biết: Tiến trình hội nhập thương mại tự do đã giúp chúng ta thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung. Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với việc cạnh tranh nhập khẩu hàng hóa. Đó là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế. Nhưng chúng ta sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các thị trường trên thế giới.

Tại Hội nghị, các đại biểu được các chuyên gia thông tin về các vấn đề: Tổng quan về các hiệp định thương mại tự do và tác động đối với kinh tế Việt Nam; hoạt động của Cục PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ PVTM từ gíc độ doanh nghiệp và các lưu ý với cơ quan báo chí trong truyền thông về các vụ việc PVTM.

Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.

Mặc dù PVTM không còn là một khái niệm mới mẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ở nước ta vẫn còn thụ động trước các biện pháp PVTM, dẫn đến chịu thiệt hại xảy ra khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc khi bị nước ngoài điều tra và áp thuế PVTM, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2020 và 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, thì các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng gia tăng. Hiện nay, nước ta đã và đang phải đối đầu với gần 50 vụ việc PVTM, tương đương với 22% tổng số lượng vụ việc từ trước đến nay. Ở chiều ngược lại, tuy bị tác động bởi dịch bệnh nhưng theo số liệu hải quan, nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt gần 270 tỷ đô la Mỹ, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2020. Điều này tạo nên sức ép không nhỏ đến sản xuất trong nước, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất và thị phần ngay trên sân nhà, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và công ăn việc làm của người lao động.

Thời gian qua, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp thông tin, sự hiểu biết về PVTM cho doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời.

Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định: Công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về PVTM đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết. Do đó, việc Bộ Công thương phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị chuyên đề thông tin về PVTM dành cho các cơ quan báo chí là hoạt động rất thiết thực. Có thể nói, việc phối hợp này là hoạt động rất kịp thời, chủ động trong cung cấp thông tin về PVTM cho các cơ quan báo chí, nhất là các phóng viên theo dõi lĩnh vực kinh tế, góp một góc nhìn mới mẻ, cung cấp cho báo chí cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về lĩnh vực PVTM trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong lĩnh vực PVTM trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị:

Bộ Công Thương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ảnh kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực PVTM. Nội dung, tài liệu cung cấp cho báo chí là kế hoạch tuyên truyền, tài liệu, văn bản, đề cương hướng dẫn thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin cơ bản, chuyên sâu, chính xác và có tính hệ thống về PVTM… giúp các cơ quan báo chí tổ chức, triển khai thông tin, tuyên truyền các biện pháp PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Các cơ quan báo chí trên cơ sở tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp người dân về PVTM, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như hiện nay. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và ngành sản xuất chủ động nắm bắt thông tin để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn về PVTM cho doanh nghiệp.

Các cơ quan báo chí quan tâm đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên sâu về PVTM để theo dõi, nắm bắt, phát hiện những vấn đề mới đặt ra, kịp thời đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi, phù hợp tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển.  Báo chí phải là kênh thông tin, là diễn đàn để bày tỏ ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành và ngược lại. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp.

Vũ Minh