T.P Hà Nội lên phương án đặt 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Đề án thu phí ô tô vào nội đô T.P Hà Nội để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận về tính khả thi cũng như các điều kiện kèm theo để triển khai. Trong khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, việc Sở GTVT Hà Nội lập đề án thu phí ôtô vào nội đô khiến nhiều người băn khoăn

Thu phí giảm ùn tắc giao thông

T.P Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe/ lượt. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn. Thông tin này được người dân Thủ đô mấy ngày qua đặc biệt quan tâm. Đây mới chỉ là dự kiến nhưng nếu trở thành sự thật thì dự án sẽ được triển khai ra sao? Theo đơn vị tư vấn, sẽ lập 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội. Hoạt động thu phí từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến Vành đai 1-2-3 chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Do đó, giải pháp thu phí là hết sức cần thiết. Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định được 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm ba giai đoạn. Người dân nếu không muốn nộp phí, có thể đi đường tránh hoặc dùng phương tiện vận tải công cộng.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định: Thu phí ô tô vào nội đô là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông khi không cần thiết đi vào vùng thu phí, hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí. Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, mức thu phí được xác định từ 50.000-100.000 đồng/lượt, đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí. Mức thu phí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Mức phí 100.000 đồng/ lượt trong dự kiến thu phí nội đô vào Hà Nội nếu đi lại hằng ngày ra vào Vành đai 3 thì mỗi tháng mỗi chiếc xe sẽ phải gánh thêm rất nhiều chi phí. Việc thu thêm khoản phí vào nội đô sẽ thêm gánh nặng cho người dân, trong khi hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Ông Nguyễn Tiến Sơn, trú tại quận Thanh Xuân cho biết: Chưa có cơ sở nào để nói thu phí sẽ làm giảm lượng xe vào nội thành, vì thực tế người dân chỉ vào đó khi có công việc. Bên cạnh đó, việc thu phí sẽ dẫn đến ùn tắc hơn vì xe phải chạy chậm lại và như vậy lượng khí thải sẽ tăng lên chứ không giảm đi. Đặc biệt, cho đến nay vẫn đang thu phí đường bộ nên nếu thu chỉ để đủ bù đắp chi phí đầu tư là không hợp lý. Chi phí thu phụ thuộc vào lượng xe, thời gian thu, cơ sở hạ tầng phục vụ thu, định thu bao nhiêu năm. Ngoài ra sẽ như thế nào nếu sau Hà Nội, các địa phương khác cũng dựng trạm thu phí vào địa phương mình. Rồi phương pháp thu sao cho minh bạch để không thất thoát, giống như thời gian đầu thu phí đường bộ cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đánh giá: Chủ trương thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô đã được đưa ra từ lâu nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đề án này chưa thể thực hiện được. Mức phí 100.000 đồng/ lượt trong dự kiến thu phí nếu đi lại hằng ngày ra vào Vành đai 3 thì mỗi tháng mỗi chiếc xe sẽ phải gánh thêm rất nhiều chi phí. Việc thu thêm khoản phí vào nội đô sẽ thêm gánh nặng cho người dân, trong khi hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại.

Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu thu phí ô tô vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông, người dân sẽ chuyển sang đi phương tiện công cộng. Vậy, số tiền hơn 2.600 tỷ đầu tư hệ thống thu phí thông minh, nhưng đường vẫn tắc thì ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông Hà Nội còn yếu kém, phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, nhưng trái ngược, Sở GTVT lại đang lấy lòng đường của nhiều tuyến phố để cấp phép cho hàng loạt các doanh nghiệp làm điểm trông giữ xe.

“Trong tương lai Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ô tô cá nhân. Ngoài ra, khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại thành, ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe cá nhân, chuyển sang đi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng” - ông Liên nói.

Võ Hóa