Tín hiệu tốt lành trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được phát đi cuối tuần qua khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (COP26) ở Glasgow (Scotland - Vương quốc Anh), từ ngày 31-10 đến 12-11.

Không phải ngẫu nhiên mà nguyên thủ của hơn 120 quốc gia đã quyết tâm họp tại Glasgow lần này, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nhiều quốc gia, bởi ứng phó với BĐKH đã là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Những cụm từ như “Cơ hội cuối cùng để cứu hành tinh” hay không có “Kế hoạch B” bởi không có “Hành tinh B” đã nhiều lần được nhắc tới. Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), từ năm 1970 đến 2019, hơn 11.000 thảm họa khí hậu đã được ghi nhận, tức là trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày có một thảm họa. Các thảm họa trên đã cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người và gây thiệt hại vật chất lên đến  3.640 tỷ USD. Hơn 91% trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển. Hạn hán là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn nhất về nhân mạng, tiếp theo là giông bão, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt. Giới chuyên gia khẳng định việc gia tăng các thảm họa này có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính mà nguồn gốc từ con người gây ra.

Như vậy, dựa theo các tính toán khoa học, BĐKH đang đe doạ thế giới và nếu không có kế hoạch kịp thời, cụ thể và quyết liệt của từng quốc gia thì trái đất sẽ khó còn là ngôi nhà lý tưởng của loài người. Chính vì tính cấp bách của vấn đề này, ngay trước thềm COP26, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đạt thỏa thuận về ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu ngày 31-10, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italy). Theo đó, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí đặt mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mục tiêu lý tưởng trong Hiệp định Paris năm 2015 về BĐKH, đồng nghĩa giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sự đồng thuận trong G20 phát đi một tín hiệu vui ngay trước khi COP26 chính thức khai mạc 1 ngày bởi lượng phát thải CO2 của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải trên toàn thế giới. Trong G20 - Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ lại là 4 nước có mức phát thải CO2 lớn nhất hành tinh. Cam kết của các quốc gia này cùng sự trở lại của Mỹ với COP (sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ - Donald Trump rút lui khỏi Hiệp định Paris về BĐKH) rõ ràng là tín hiệu vui cho toàn thế giới.

Kể từ COP21, thế giới đã trải qua một hành trình dài với không ít thăng trầm để “hiện thực hóa” Hiệp định Paris. Ngay tại COP22 ở Ma-rốc năm 2016, các nước đã thông qua kế hoạch sơ bộ thực hiện Hiệp định Paris. Tại COP23 ở Bonn (Đức) tháng 12-2017, các bên nhất trí giữ vững cam kết đầy tham vọng đạt được tại Pháp, bất chấp Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris từ tháng 11-2019. Tới COP24 tại Ba Lan năm 2018, các bên vượt qua rất nhiều bất đồng để thống nhất Chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris. Tuy nhiên, năm 2019 đã chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, trong khi COP25 tại Madrid (Tây Ban Nha) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mọi hy vọng khi đó đặt vào COP26, dự kiến diễn ra cuối năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến hội nghị quan trọng này không được tổ chức đúng kế hoạch.

COP26 cuối cùng đã diễn ra. Những tín hiệu tích cực liên quan tới BĐKH phát đi từ Hội nghị thượng đỉnh G20 trước thềm COP26 mang lại sự lạc quan về một thế giới tốt đẹp hơn.

Thanh Huyền