Cuốn tự truyện “Sống và Viết” của Đại tá Nguyễn Duy Tường.

(Đọc tự truyện “Sống và Viết” của Nguyễn Duy Tường, Nxb QĐND, 2020)

Đọc đi đọc lại cuốn tự truyện của Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND, cảm nhận đầu tiên của tôi là “Sống và Viết” dày nhưng không nặng. Chuyện làng quê, thời cuộc, những vui buồn của nghề viết… được tác giả kể lại rất nhẹ nhàng, chân chất, hóm hỉnh với ngôn từ phong phú, trong trẻo, gợi thức, vô cùng hấp dẫn.

Tác giả được học hành bài bản cộng với vốn kinh nghiệm ngót ba chục năm làm sách, viết sách (đã thể hiện hơn chục cuốn hồi ký của các chính khách, tướng lĩnh) nên tôi thầm nghĩ, với tự truyện của mình, Duy Tường đã phá bỏ được mặc định “Dao sắc không gọt được chuôi” như anh đã khiêm nhường “Thưa cùng bạn đọc!” ở đầu sách.

Sinh ra ở đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh - một miền quê sơn thủy hữu tình, lung linh huyền thoại, một miền chữ nghĩa, trong một gia đình đầy ắp tình thương yêu, “nhiều đời chui lên từ gốc rạ” (chữ của tác giả); lớn lên với tuổi thơ rau cháo, nhọc nhằn, bom đạn, nhưng không kém phần thi vị… tất cả đã sớm trui rèn cho tác giả tình yêu quê hương, gia đình; chí thú học hành, đức tính kiệm cần... Không nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, không có trí nhớ đặc biệt, chắc chắn tác giả khó có được những trang viết về quê hương xứ sở, gia đình và tuổi thơ thật sống động với tất cả tình cảm sâu lắng, đam mê, thân thương như vậy!

Một thời đói no rau cháo, đạn bom… được tác giả kể lại bằng những câu chuyện, những hình ảnh vừa chi tiết sống động vừa mang tính khái quát cho một thời kỳ, một thế hệ. Đó là những tháng ngày vừa tần tảo mưu sinh, vừa đội bom đội đạn đến trường; là một trưa đầu hè năm 1972 anh gặt lúa, bị máy bay Mỹ quần đảo xả đạn 20 ly, “…Chúng tôi nằm nép vào bờ đập, lấy bó lúa chắn bên ngoài, ngửa mặt lên trời quan sát máy bay. Cứ mỗi lần máy bay nhào xuống xả đạn, là bảo nhau nhắm mắt chờ chết…” (tr.167); là cảnh máy bay Mỹ rơi và tác giả cùng đám trẻ trâu trong làng không ai dạy vẫn trở thành những “lính công binh lão luyện” tìm nhặt, đập tháo hàng nghìn quả bom bi mà không mảy may thương vong “…Cứ chiều chiều đi chăn bò, cắt cỏ ở chôông Làng Yến hay Lãng, mỗi đứa đào nhặt chục quả bom bi, rồi ngồi cạnh gốc cây phi lao, cầm hai quả gõ vào nhau theo vành khớp nối một lúc thì quả bom tách làm đôi như bổ quả cam… Chuyện ly kỳ chỉ có ở làng tôi. Tôi tin trên thế gian này không thể có chuyện thứ hai như thế…” (tr.125). Rồi chuyện bi hùng, mất mát đau thương của chiến tranh, bạn học cùng lớp bị bom Mỹ giết hại; cảnh làng quê, cảnh hợp tác xã một thời “tất cả cho chiến trường thắng Mỹ”… được tác giả tái hiện rất sống động! Ai cùng trang lứa, cảnh ngộ với tác giả đều thấy hiển hiện bóng dáng mình ở “Sống và Viết”.

Truyền thống quê hương, gia đình, khó khăn, đạn bom… đã giúp tác giả “Sống và Viết” nghị lực “gắng kiếm lấy dăm ba chữ để làm cần câu cơm”.  Rồi anh cũng đạt được mục đích đó. Sau 5 năm học Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với không ít kỷ niệm đẹp và dại dột tuổi học trò, năm 1980 tác giả về công tác tại Viện Đông Nam Á, bước đầu toại nguyện được làm nghề “đào đồ cổ”. Nhưng chưa ngồi nóng chỗ thì “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, nên “Viện sĩ nhập ngũ” và sau gần 8 năm làm lính sư đoàn, anh rẽ ngang sang làm sách, viết sách, làm báo.

22 năm công tác tại Nhà xuất bản QĐND cũng là quãng thời gian tác giả được sống và viết hết mình với triết lý: “Sống ở đời có thể có người này người kia không ưa, nhưng đừng để ai kinh rẻ mình” (tr.322). Ở đó, bằng tâm và lực của mình, anh đã làm “bà đỡ mát tay” cho hàng nghìn cuốn sách, găm vào lòng các tác giả và người làm sách hình ảnh “một lão nông tri điền, cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nghĩa”. Qua một vài câu chuyện tác giả kể về việc làm sách và chuyện “bếp núc” quanh bàn biên tập, người đọc phần nào hiểu được phẩm chất, đức độ, cái Tâm và bản lĩnh của anh thể hiện ở việc xử lý bản thảo sách “Những ngày ở Cánh Đồng Chum” của Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn, “Người lữ hành lặng lẽ” của nhà văn Hữu Mai, tự truyện “Đường về” của Nguyễn Cao Kỳ…, hay tự thấy “đáng xấu hổ” khi có biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội cầm bản thảo “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cả năm mà trả lại gia đình nữ Anh hùng liệt sĩ…

Điển hình cho bản lĩnh của người làm sách là tình tiết ở cương vị phản biện một công trình lịch sử của Quân chủng Hải quân, anh đã không đồng ý với quan điểm của một vị tướng - Viện trưởng một viện nghiên cứu, về sự kiện “hải chiến Trường Sa” (tháng 3-1988), và khẳng định: “Cần phải ghi lại chính xác từng chi tiết để mai sau muôn đời con cháu biết cha ông chúng nó đã dám phóng hai con tàu lên đảo (Len Đao). Hôm nay, dám hy sinh hai con tàu mới giữ được đảo, chứ mất vào tay đối phương rồi thì dẫu có đánh đổi cả hai trăm con tàu cũng khó lấy lại được… Có điều, viết thế nào để tôn trọng sự thật lịch sử mà không ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Đảng, là cả một nghệ thuật” (tr.331-332).

Có lẽ trong nghề viết, Duy Tường thành công, thăng hoa hơn khi viết hồi ký, tự truyện cho các chính khách, tướng lĩnh. Với anh, đây là cái “duyên”, cái may mắn mà không phải ai cũng có được. Quanh “chuyện bên lề” của hơn một chục cuốn hồi ký mà Duy Tường thể hiện, tôi càng muốn được đọc các cuốn “Đường xuyênTrường Sơn” của bác Đồng Sĩ Nguyên, “Đời chiến sĩ” của Đại tướng Phạm Văn Trà, “Còn trong ký ức” của Thượng tướng Nguyễn Văn Được, hay “Như tôi đã sống” của Đại tá Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp… đã được anh thể hiện thành công.

Nhiều người cho nghề viết, nghề biên tập sách là nhọc nhằn, đơn bạc. Nhưng từ những trải nghiệm của mình, Duy Tường đã bộc bạch: “Nghề nghiệp cũng như con cái của mình. Cứ sống hết mình, trách nhiệm hết mình với con cái và nghề nghiệp thì chẳng có nghề nào, chẳng có đứa con nào bạc bẽo với mính” (tr.391). Âu cũng là một chuẩn mực về đức làm cha, làm mẹ, làm nghề đáng suy nghĩ.

Viết sách rồi làm báo nên tác giả “Sống và Viết” được đi nhiều nơi cả trong và ngoài nước. Lợi thế đó cộng với sống thiên về “văn hóa nhìn”, hay  “ăn ít, nhìn nhiều” (chữ của tác giả) đã giúp anh phát huy tối đa khả năng quan sát, chiêm nghiệm. Từ dáng ngồi ngạo nghễ trên đỉnh cột buồm của ngư phủ nơi quê nhà; đám cây húng chó mọc lạ lẫm trong khu vườn một CCB ở tỉnh Chichaoua (Marốc), biển hiệu có chữ Việt hiếm hoi trước một ngôi trường ở Oasinhtơn (Mỹ); hay nhiều lỗ thủng ở những bậc cầu thang bằng thép tấm trên tháp Effel (Pari), do bàn chân triệu triệu lữ khách mài mòn,… đều không thể lọt khỏi con mắt của tác giả. Anh cũng khéo góp nhặt, lồng ghép những câu chuyện vui, dí dỏm của bản thân, của làng quê, đơn vị… buộc người đọc khó nhịn cười, khó quên.

Thật là thiếu sót, nếu không nhắc đến mảng thơ trên hai chục bài của Nguyễn Duy Tường, mặc dù như tác giả viết: “Vui buồn nảy một đôi vần” - nghĩa là không chủ định làm thơ; thơ với anh chỉ là rung động bất chợt, bất chợt vui buồn mà thành thơ. Cũng như văn, thơ anh lắng đọng từ những dung dị, nhẹ nhàng, sâu lắng của một tâm hồn nặng nỗi thương đời, thương người…

Khó nói hết những cảm nhận về tự truyện của một người sống hết mình cho đời và cho nghề viết. Nhưng, “Sống và Viết”, giúp tôi thêm yêu đời và muốn viết nhiều hơn!

T.P Hồ Chí Minh, tháng 8-2021.

Đại tá, Th.s Phạm Xuân Trường