Người dân Thủ đô đổ ra đường chơi Trung thu, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Từ sự việc hàng nghìn người dân Thủ đô đổ ra đường đêm Trung thu, các chuyên gia cảnh báo, tâm lý “xả hơi” sau giãn cách gây nguy hiểm cho xã hội, công sức chống dịch có thể đổ sông, đổ biển. Người dân cần xác định, dù hiện nay T.P Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng không nên chủ quan, lơ là, cần phải hình thành thói quen mới để thích ứng, phù hợp, sống an toàn trong đại dịch.

Chống dịch - trách nhiệm và quyền lợi

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi cả hệ thống chính trị đang “căng mình” chống dịch, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, khẩn trương thì đâu đó vẫn còn những cá nhân có tâm lý lơ là, chủ quan, vi phạm quy định của cơ quan chức năng, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân phải đặt lên hàng đầu, được coi là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch, góp phần phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh.

Trải qua ba đợt dịch, câu chuyện ý thức, trách nhiệm công dân được nhắc đến nhiều nhưng vẫn còn không ít trường hợp vi phạm, những hành vi thiếu ý thức trong công tác phòng, chống dịch. CCB Nguyễn Tiến Minh - Tổ trưởng tổ Covid cộng đồng phường Văn Quán, quận Hà Đông cho biết: Bất chấp giãn cách xã hội, một số người dân luồn lách vào những nơi không có chốt kiểm soát, chạy bộ, đạp xe từ lúc 3-4 giờ sáng. Một số nơi còn có hiện tượng lén lút tụ tập trong nhà hàng, quán karaoke. Hay như tối 21-9, rất nhiều người dân Thủ đô đổ về các tuyến phố chính quận Hoàn Kiếm vui chơi Trung thu khiến giao thông ùn tắc. Việc chủ quan, lơ là có thể phải trả bằng sinh mạng, sức khỏe con người, chưa kể đến thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội.

Để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả tốt nhất, người dân cần năng cao ý thức, tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ, UBND các cấp, thực hiện nghiêm quy định về khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan trung thực, chính xác, tự giác thực hiện những biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. Để nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch là tăng cường tuyên truyền để tạo sự thẩm thấu theo quá trình và áp dụng hình thức xử phạt nghiêm, nặng để răn đe.

Những câu chuyện, tấm gương của các cá nhân, tập thể cần được khích lệ. Đồng thời, những vụ việc bị xử phạt khi người dân không chấp hành quy định cần phải được chỉ rõ. Khi được cung cấp nhiều thông tin chính xác người dân sẽ có sự cân nhắc, phân tích thiệt hơn. Một khi thấy "thiệt" nhiều hơn thì người dân sẽ nâng cao ý thức chấp hành. Không ai có thể riêng mình sống yên ổn nếu như cộng đồng còn chưa an toàn. Chỉ khi mỗi người dân có ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; có tinh thần trách nhiệm chung sức, đồng lòng cùng Nhà nước chống dịch, mới tạo nên sự đoàn kết thống nhất, tạo "lá chắn" vững chắc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nới lỏng linh hoạt  

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng: Để cuộc sống trở lại trạng thái bình bình thường mới, cần phải theo từng giai đoạn; mỗi giai đoạn phải có lộ trình tỉ lệ tương thích với các điều kiện thực tế, siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, thắt chặt kiểm soát biên giới, không buông lỏng quản lý từ bên trong. Số lượng người dân được tiêm vắc-xin phải được tăng lên càng nhanh càng tốt. Về chiến lược vắc-xin, chúng ta đang triển khai rất tích cực, hiệu quả. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, lượng vắc-xin sẽ về nhiều, người dân sẵn sàng tiêm vắc-xin là điều kiện để sớm gỡ bỏ phong tỏa, cách ly, giãn cách. Bên cạnh đó, chúng ta chấp nhận “sống chung” với dịch, sẵn sàng tâm thế dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào...

Có thể định hướng chia thành 3 giai đoạn để có thời gian, định hướng, kịp thời chuẩn bị. Trước tiên sẽ mở cửa các ngành hàng thiết yếu, nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng việc duy trì kinh tế, đồng thời bảo đảm các nhu cầu an sinh xã hội. Đối với chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thiết yếu sẽ mở từng phần, tùy tiến độ tiêm vắc-xin và mức độ an toàn trong phòng, chống dịch. Tiếp tục áp dụng 3 tại chỗ theo giai đoạn và thực trạng tình hình dịch Covid-19 để hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong cộng đồng. Sử dụng các khu cách ly tập trung làm điểm áp dụng 3 tại chỗ cho các đối tượng phục vụ trong nhóm ngành hàng ưu tiên.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Sau khi tỉ lệ vắc-xin được phủ rộng, tỷ lệ ca tử vong xuống mức thấp nhất, hạ tầng y tế phục hồi và đáp ứng điều trị cho toàn dân, toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội được hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Ở giai đoạn này, mở cửa du lịch đi đôi với việc kiểm soát, thắt chặt biên giới, đặc biệt là xuất nhập cảnh quốc tế. Đưa hộ chiếu vắc-xin làm điều kiện thông hành. Lên kịch bản kiểm soát và phòng, chống tuyệt đối những mối nguy cơ xuất hiện biến thể virus mới nguy hiểm hơn, không để những biến thể virus mới du nhập Việt Nam qua con đường nhập cảnh.

Đặc biệt, khi chính quyền quản lý kinh tế mở cửa cần thực hiện một cách hết sức thận trọng, quản lý được đến đâu thì mở cửa đến đó, từng bước tiến về phía trước để linh động, co giãn và an toàn trong việc đóng hay mở theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Theo mô hình này, các hoạt động kinh tế được cho hoạt động bình thường, có lộ trình rõ ràng thì khi dịch có diễn biến phức tạp hoặc nếu có biến chủng mới xuất hiện có thể siết chặt ngay thông qua các mắt xích quan trọng của địa phương để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Võ Hóa