Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi hoạt động với phương châm “3 tại chỗ”

Dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4-2021 đến nay làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các ngành hàng, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ”, chấp nhận tạm ngừng hoạt động. Một số doanh nghiệp đang duy trì sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, linh kiện phụ tùng thay thế, thiếu hụt nhân công. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Doanh nghiệp cố gắng xoay xở

Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB T.P Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn đánh giá: Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng vô cùng to lớn, hầu như không một ngành hay lĩnh vực nào không chịu ảnh hưởng. Nếu như đợt dịch năm 2020, Việt Nam chống dịch thành công, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu là nguồn cung ứng từ nước ngoài cho công nghiệp chế tạo thì đợt dịch năm nay rất nhiều tỉnh thành trên cả nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện tại Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời như: Giảm lãi suất, giãn nợ, thuế, BHXH, giảm thu phí các nguồn lực đầu vào cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động mất việc... Nhưng về dài hạn, sự kiệt quệ gây ra từ dịch bệnh Covid-19 đã làm cho doanh nghiệp mất đi nguồn lực, sức cạnh tranh và khả năng phục hồi sau đại dịch là rất yếu. Mục tiêu lớn nhất lúc này là ngăn chặn được dịch bệnh để có thể trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường. Khi đó doanh nghiệp mới có thể tham gia sản xuất kinh doanh ổn định.

Trong khi đó, CCB Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh cho biết: Tại T.P Hồ Chí Minh, các ngành kinh tế, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đều bị ảnh hưởng rất mạnh và có chiều hướng giảm sâu, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong nước, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động mất việc làm và quan trọng là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông xuất khẩu hàng hóa rất lớn. Các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là phương án tạm thời, bởi chỉ tính riêng các khoản chi phí về ăn, ở, xét nghiệm nhanh định kỳ cho người lao động… đã tăng lên khá nhiều, trong khi công suất lao động giảm. Vì vậy, “3 tại chỗ” cần kết thúc càng sớm càng tốt; nếu kéo dài doanh nghiệp sẽ không chịu nổi do chi phí quá lớn, còn người lao động gò bó, bức bách cũng khó có ai chấp nhận ở lại tiếp tục làm việc.

Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp

Ông Hoàng Mạnh Cường cho rằng: Để doanh nghiệp duy trì hoạt động, cần ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, duy trì chính sách giảm lãi suất và khoanh giãn nợ. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính cần ưu tiên nhận được gói vay để trả lương công nhân nhằm duy trì hoạt động. Giai đoạn tiếp theo cần có một bước đánh giá tình hình của doanh nghiệp để ra những chính sách thích ứng và phù hợp. Để tạo nền tảng phát triển ổn định, đầu tư hạ tầng cần được xem là một ưu tiên để tạo tiền đề cho sự phát triển. Các chính sách khuyến khích đầu tư cần ưu tiên cho trao đổi hàng hóa và đổi mới công nghệ sản xuất là rất cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đánh giá: Chống dịch thành công, kinh tế mới phục hồi; nhưng chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song, kinh tế phục hồi sẽ tăng năng lực chống dịch, không nên đặt vế nào cao hơn, như thế mới là mục tiêu kép. Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện mạnh mẽ hơn vì tổn thất của doanh nghiệp hiện tại là rất lớn. Dành sự hỗ trợ ưu tiên các ngành hàng thiết yếu, các khu công nghiệp, ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp cho xuất khẩu. Những giải pháp hỗ trợ này là cần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Việc thực hiện nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế cần thực hiện khoa học và có thời gian cho các đơn vị kinh doanh chuẩn bị. Trong thời gian thực hiện mở cửa, nới lỏng giãn cách cần thực hiện nghiêm nguyên tắc 5T. Các lực lượng chức năng khi phát hiện cơ sở nào vi phạm cần xử phạt nặng, thậm chí yêu cầu đóng cửa, không cho tiếp tục kinh doanh. Đây không phải lần đầu trong 2 năm qua, Chính phủ đưa ra các giải pháp, chính sách trợ lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh tác động xấu đến sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không phải chính sách, gói hỗ trợ nào cũng được triển khai nhanh và phát huy hiệu quả.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình, tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư, hoạt động tại tỉnh; thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Để giảm bớt khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, Bộ Công thương đang có những hành động cụ thể như giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt Nam tại Mỹ, EU. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ triệt để những điều khoản về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của các thị trường nhập khẩu.

Võ Hóa

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)