Đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh

Cách đây hơn 91 năm, trong Tạp chí Đông Tây số ra ngày 30-5-1931, có một bài viết cho biết: Trong số 80 người cộng sản bị bắt ở Huế năm 1930, có 11 nữ thanh niên và trong số nữ thanh niên đó có 7 nữ sinh Trường Đồng Khánh. Với người dân Huế lớn tuổi, không mấy ai là không nhớ đến phong trào cách mạng của Phan Bội Châu ở Huế trong những năm 1926, 1927. Đặc biệt là phong trào bãi khoá của học sinh năm 1927. Nữ sinh Đồng Khánh được coi là một lực lượng chủ chốt của các phong trào cách mạng. Vì thế có nhiều nữ sinh hoạt động cách mạng trong những năm 1929-1930. Sau những hoạt động rầm rộ hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân Bến Thuỷ (Vinh) vào tháng 5-1930, nhiều nữ sinh Huế đã bị bắt khi tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy vôi Long Thọ, Nhà máy điện Huế, ủng hộ nông dân, đấu tranh đòi chia lại ruộng đất. Những người nổi tiếng nhất là Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Thị Lý, Phan Thị Nga (sau này là vợ nhà văn Hoài Thanh), Huỳnh Thị Liệu (sau này là vợ đồng chí Bửu Tiếp), Lâm Thị Tuyến (sau này là vợ đồng chí Hải Triều), Nguyễn Thị Quang Thái…

Chị Thái lúc ấy mới 16 tuổi, gốc người Nghệ - Tĩnh (là em ruột chị Nguyễn Thị Minh Khai), có vóc dáng mạnh mẽ, nước da ngăm ngăm đen, đôi mắt sáng lanh lợi lạ thường. Khi bị địch bắt, bị tra tấn đánh đập rất dã man nhưng chị vẫn tỉnh táo, không hề sợ hãi trước mọi sự đe doạ của kẻ thù. Tinh thần bất khuất của chị đã giúp chị em tù kiên định giữ vững khí tiết cách mạng.

Một hôm, nghe tin địch sắp đem các chị đi bắn, chị Quang Thái đã cắn đầu ngón tay lấy máu viết lên tường nhà lao Thừa Phủ bài thơ “Quyết chí một lòng” như sau :

Mười sáu năm nay sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lẹ đầy vơi

Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Nghĩ đến lao tù dạ rối bời.

Quyết chí hy sinh lòng tận tuỵ

Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Hành động của chị Quang Thái làm cho người ta nhớ lại bà Ẩu Triệu (Lê Thị Đàn) nhà yêu nước đã hành động gần như thế ở lao Thừa Phủ vào năm 1910. Bọn thực dân và phong kiến lúc đó rất sợ Cộng sản, chúng muốn tận diệt các mầm mống Cộng sản để trừ hậu hoạ cho chúng. Nhưng sự thực thì chúng không đủ tài liệu để kết án tử hình những người yêu nước này. Cuối cùng trong số nữ sinh ấy chỉ có hai người bị án một năm tù… Riêng chị Nguyễn Thị Quang Thái bị ba năm quản thúc.

Hết hạn tù, chị Quang Thái tiếp tục hoạt động cách mạng và lập gia đình với một đồng chí cũng là tù cộng sản năm 1930 ở Huế, đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp (lễ cưới được tổ chức tại Vinh). Sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội hoạt động hợp pháp với tư cách là sinh viên luật Trường đại học Đông Dương, Giáo sư sử địa tại Trường Thăng Long, do ông Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng. Chị Quang Thái cùng ra Hà Nội với chồng, tiếp tục học trung học và đến cuối năm 1939 thì chị vào học Đại học Y khoa Đông Dương. Tháng 5-1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng bố trí sang Trung Quốc để gặp Bác Hồ, chuẩn bị xây dựng lực lương vũ trang cách mạng.... Chị Quang Thái và con gái là Hồng Anh ở nhà. Lúc bấy giờ, chị cũng đang tìm cách gửi cháu Hồng Anh để hoạt động bí mật và bị địch bắt lại. Hôm đó có buổi chào cờ tại sân trường Đại học Y khoa. Khi lá cờ tam tài của Pháp kéo lên cột cờ thì bị vướng, lá cờ cuốn lại. Chị Thái thấy thế liền buột miệng nói: “Coi kìa, lá cờ tam tài trông giống như một cái đuôi chó, vui chưa!”. Chị em sinh viên trong trường cũng thấy như thế nhưng không ai dám nói. Chào cờ xong, sinh viên vào lớp học bình thường như mọi khi; không ngờ trong đám nữ sinh ấy có một nữ sinh gốc Pháp đã báo với mật thám Pháp. Sáng hôm sau, mật thám xuống điều tra và chị Thái bị bắt giam tại nhà lao Hoả Lò - Hà Nội. Bọn mật thám Pháp đã sẵn trong tay tài liệu theo dõi hoạt động cách mạng của chị Thái và đồng chí Võ Nguyên Giáp, nhất là sự kiện đồng chí Võ Nguyên Giáp đang dạy học đã bí mật sang Trung Quốc, nên chúng tra tấn chị Thái rất dã man, đến kiệt sức. Lúc chúng đưa chị Thái sang bệnh viện Bạch Mai thì không thể cứu được nữa. Khi sắp mất, chị nhờ vợ chồng anh Võ Thuần Nho (anh Võ Thuần Nho là em trai đồng chí Võ Nguyên Giáp, vừa vào thăm chị) chuyển lời chào vĩnh biệt chồng - đồng chí Võ Nguyên Giáp và cháu Hồng Anh. Trong lời nhắn gửi, chị Quang Thái có dùng hai câu thơ cuối trong bài thơ chị đã làm ngày còn ở nhà lao Thừa Phủ: “Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười”.

Nguyễn Duy Cách

(Theo cuốn “Chuyện cũ Cố đô” - xuất bản năm 1987)