Cán bộ y tế khám sàng lọc cho các trường hợp trước khi tiêm vắc xin.
Để tăng hiệu quả bảo vệ tối ưu cho cơ thể, việc tiêm mũi thứ hai vắc-xin phòng Covid-19 rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân cần “bỏ túi” những lưu ý khi thực hiện mũi tiêm này.
Thông báo phản ứng sau tiêm vắc-xin lần một
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật T.P Hồ Chí Minh khuyến cáo: Nếu là lần tiêm thứ hai, bạn cần thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 lần trước. Người dân cũng cung cấp thông tin về các vắc-xin tiêm hoặc thuốc uống trong vòng 14 ngày qua. Bên cạnh đó, bạn cần cho biết tình trạng đang mang thai hoặc nuôi con bú (nếu là nữ trong độ tuổi sinh đẻ).
Hoàn thiện mũi tiêm thứ hai giúp cơ thể sản sinh kháng thể
Theo Sở Y tế Hà Nội, tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 là cần thiết vì giúp giảm đáng kể số ca bị biến chứng nặng, nâng cao sự bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong lên đến 98%. Nếu chỉ tiêm một mũi thì hiệu quả này sẽ chỉ có khoảng 64%. Việc hoàn thành phác đồ hai mũi tiêm giúp hệ miễn dịch có đủ điều kiện để sản sinh ra lượng kháng thể tối đa chống lại dịch bệnh. Ngoài ra, việc bỏ qua mũi tiêm thứ hai hoặc tiêm nhắc không đúng lịch còn gây ảnh hưởng đến tỷ lệ miễn dịch với Covid-19, khiến người được tiêm vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh.
Khi trên 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, miễn dịch cộng đồng mới được thiết lập. Từ đó, giúp bảo vệ cho cả nhóm đối tượng chưa tiêm hoặc không đủ điều kiện tiêm vắc-xin.
Cần làm gì nếu lỡ bỏ qua mũi tiêm vắc-xin thứ hai?
Thông thường, mũi tiêm thứ hai sẽ được thực hiện sau mũi tiêm đầu tiên từ 4-12 tuần. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ lỡ lịch tiêm thì nên đến ngay trung tâm tiêm chủng gần nhất để hoàn thành lịch tiêm sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, người dân chỉ nên tiêm mũi thứ hai khi đến thời gian được khuyến nghị chứ không chích ngừa sớm hơn. Ngoài ra, ở mũi tiêm thứ hai này, các phản ứng phụ vẫn có thể xảy ra như mũi tiêm trước đó nên cũng cần theo dõi sức khỏe để kịp thời xử lý đúng cách như hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19
Người dân cần ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm, đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K trước, trong và sau tiêm vắc-xin; thông tin tình trạng sức khỏe hiện tại cho cán bộ y tế.
Sau khi tiêm chủng, cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi về nhà hoặc nơi làm việc, cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau tiêm. Khi tiêm vắc-xin Covid-19, cơ thể có thể gặp một số triệu chứng thông thường như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp. Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, nhưng Bộ Y tế khuyên mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K để nâng hiệu quả phòng bệnh, bảo vệ tối ưu cho sức khỏe cá nhân, cộng đồng.
Thành An