Lương y, CCB Triệu Đức Ngân khám bệnh cho bệnh nhân.
Chúng tôi tìm đến nhà CCB Triệu Đức Ngân ở thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh khi đã gần trưa. Hai vợ chồng ông đang làm thuốc, nhiều bệnh nhân đến khám vẫn đang kiên nhẫn ngồi chờ. Xung quanh là những gói thuốc đã được bọc sẵn chờ chuyển đến những bệnh nhân ở tỉnh, thành xa. Đến giờ nghỉ trưa, ông mới ngồi tiếp chuyện chúng tôi…
CCB Triệu Đức Ngân chậm rãi kể: “Dân tộc Dao chúng tôi, hầu như mỗi gia đình đều lưu giữ một vài hoặc nhiều bài thuốc gia truyền để chữa bệnh. Khi còn sống, mẹ tôi đã truyền dạy tôi các bài thuốc chữa bệnh bằng tiếng Dao nôm. Do chịu khó “mày mò” nên tôi đã học được các bài thuốc đó…”.
Ngay từ lúc còn nhỏ, ông Ngân đã theo bà, theo mẹ đi hái thuốc. Khi lớn lên, ông mang những kiến thức, kinh nghiệm được tiếp thu từ nhỏ để bốc thuốc, chữa bệnh không lấy tiền ở trong bản, trong xã và các địa phương lân cận. Giờ đây, ông am hiểu tường tận về từng loài cây, vị thuốc và trở thành lương y có tiếng ở bản người Dao này. Từ xa xưa, người Dao ở Hoành Bồ đã có phong tục rất đẹp là cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà tạ ơn tổ tiên. Bản thân ông Ngân đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân và khi khỏi bệnh, bệnh nhân đến tận nhà cảm ơn bằng nông sản giản dị như con gà, cân gạo nếp, chai rượu… Nhưng rồi bệnh nhân đến chữa ngày càng nhiều, ông phải mua thêm vị thuốc, chi phí tăng lên và phải thu tiền mới duy trì được.
Khi còn trong bộ đội, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 47, Đoàn 559 của ông Ngân đóng quân trong rừng nên rất nhiều đồng đội bị bệnh sốt rét rừng. Mỗi trận chiến đấu cũng có cán bộ, chiến sĩ bị thương. Thuốc men của đơn vị có hạn, ông tranh thủ lên rừng tìm cây thuốc rồi tự bào chế cho anh em uống và đắp rửa vết thương. Từ những bát thuốc của ông, nhiều đồng chí đã cắt được cơn sốt, khỏi bệnh, những vết thương của đồng đội cũng mau lành. Thế là ông trở thành “thầy thuốc” và được biên chế vào Đại đội Quân y của Trung đoàn…
Đã vài chục năm trong nghề, lương y Triệu Đức Ngân không thể nhớ đã khám, chữa cho bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng có những người để lại trong ông những ấn tượng khó quên, như bệnh nhân Đặng Văn Tỉnh, 80 tuổi hiện đang ở số nhà 21, khu 8, đường Nguyễn Bình, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên bị bệnh viêm phổi rất nặng. Người xanh xao gầy gò, cụ Tỉnh đi rất nhiều viện mà không khỏi bệnh. Con của cụ đã đưa cụ đến nhà lương y Ngân. Chỉ hơn 1 tháng điều trị, căn bệnh đã đỡ và sau gần 1 năm thì khỏi hẳn. Còn trường hợp anh Vi Văn Tiến, thôn Hổ Lao, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị bệnh u não, mắt mờ, cấm khẩu, liệt toàn thân. Sau nhiều ngày dài chữa trị ở các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc nhưng vẫn không khỏi, gia đình anh Tiến đã “ lặn lội” đưa anh tới gặp lương y Ngân bắt mạch, bốc thuốc. Suốt 2 tháng điều trị, bệnh u não của anh Tiến có dấu hiệu đỡ hơn, mắt sáng dần, người bắt đầu ngồi dậy và đi được…
Đã nhiều bệnh nhân ở các tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng… thậm chí có cả bệnh nhân người Quảng Đông (Trung Quốc); Luông Pha Băng (Lào) tìm đến ông Ngân khám chữa bệnh và đã khỏi bệnh. Ai cũng thán phục cái tâm, cái đức của ông. Sau khi bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, tính tiền cho người bệnh, bất cứ ai ông đều bảo: “Nếu đủ tiền thì trả hết, nếu chưa đủ thì trả một nửa hoặc cho nợ, về điều trị lần sau đến thì trả tiếp”.
CCB Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch Hội CCB huyện Hoành Bồ cho biết: “Mặc dù công việc gia đình rất bận, nhưng ông Ngân vẫn tích cực tham gia công tác địa phương. Ở bản, ai gặp khó khăn ông cũng giúp đỡ tận tình; ai có công có việc hỏi vay tiền, ông Ngân sẵn lòng cho vay không lấy lãi. Hiện ông Ngân cho CCB vay hơn 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ CCB được ông Ngân hỗ trợ vốn đã làm ăn có lãi, vươn lên thoát nghèo. CCB Triệu Đức Ngân là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.
Long Vũ