Báo cáo điều tra của các cơ quan truyền thông quốc tế về phần mềm gián điệp Pegasus làm đau đầu chính phủ nhiều quốc gia có tên trong danh sách khách hàng và nạn nhân.
Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã phải đổi điện thoại và thậm chí đổi luôn cả số điện thoại bởi những thông tin gần đây cho thấy một phần mềm gián điệp có thể đã thu thập thông tin, không chỉ từ các cuộc gọi, mà như một gián điệp lúc nào cũng sẵn sàng ghi hình, ghi âm, ghi lại địa điểm của người chủ máy. Một cú sốc với người sử dụng điện thoại không chỉ ở châu Âu, không chỉ là các chính trị gia nổi tiếng mà các các nhà báo và những người hoạt động trên một số lĩnh vực quan trọng khác.
Phần mềm có tên Pegasus, được công ty NSO của Israel phát triển. Theo thần thoại Hy Lạp, Pegasus là một thiên mã, con ngựa thần có cánh như chim đại bàng, lông trắng muốt, là con của thần biển Poseidon và Medusa. Sau khi giúp đỡ người anh hùng Bellerophon đánh bại quái vật Chimera, thần Zeus biến Pegasus thành một chòm sao trên bầu trời. Chòm sao này giờ lại được đặt tên cho một phần mềm gián điệp, nó như những cặp mắt trên trời dõi theo người sử dụng điện thoại dù người đó có muốn hay không. Pegasus có thể ghi lại các cuộc trò chuyện bằng cách tự sử dụng camera, xác định vị trí của người dùng điện thoại, truy cập các tệp tin, các cuộc trò chuyện qua SMS, kể cả dịch vụ nhắn tin được mã hóa.
Ngày 23-7, Tổ chức Ân xá Thế giới (AI) lên tiếng cho rằng các cáo buộc về việc nhiều chính phủ sử dụng phần mềm độc hại Pegasus trên điện thoại do công ty NSO cung cấp để do thám các nhà báo, thậm chí cả các nguyên thủ quốc gia từ năm 2016 “là một cuộc khủng hoảng nhân quyền toàn cầu” và đề nghị tạm ngừng mua và sử dụng thứ công nghệ giám sát này. Phần mềm Pegasus đang là trung tâm của một vụ bê bối chấn động sau khi rò rỉ một danh sách gồm 50.000 mục tiêu có thể bị theo dõi. AI và công ty phi truyền thông lợi nhuận Forbidden Stories của Pháp đã hợp tác với một nhóm các công ty truyền thông, trong đó có báo the Washington Post (của Mỹ), the Guardian (của Anh) và Le Monde (của Pháp), phân tích và công bố danh sách trên. Đáng quan ngại hơn, NSO cho biết đã xuất khẩu phần mềm Pegasus tới 45 quốc gia với sự phê chuẩn của Chính phủ Israel. Công ty này nhấn mạnh phần mềm Pegasus chỉ dùng để chống khủng bố và các tội phạm khác.
Như vậy, Pegasus được lập trình để theo dõi tội phạm giờ lại bị lạm dụng để theo dõi chính khách và các nhân vật quan trọng khác. Vụ việc phức tạp hơn ở chỗ, phần mềm được bán cho 45 nước nhưng không ai biết chắc các quốc gia này có dùng nó để theo dõi các cá nhân, tổ chức của các quốc gia khác hay không. Các khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Maroc, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Về nội bộ, nhiều nước được nêu tên trong cáo buộc của nhóm điều tra đã bắt tay vào điều tra việc sử dụng Pegasus trong nước. Các quốc gia như Algeria, Kazakhstan, Morocco, Hungary… bên cạnh việc mở các cuộc điều tra trong nước còn phải lên tiếng phủ nhận việc bị cáo buộc sử dụng phần mềm này để dò la nước khác. Pháp thậm chí còn phải tổ chức một cuộc họp an ninh bất thường bởi biết đâu bao bí mật quốc gia đã bị nước khác thâu tóm. Thế nhưng, về đối ngoại, vụ việc có thể sẽ không dừng lại ở đó khi thông tin cụ thể về các nạn nhân sẽ được nhóm điều tra công bố trong những ngày tới. Khi đó, rất có thể sẽ có những cuộc điều tra lớn hơn do các quốc gia tự đứng ra tổ chức khi có người dân hoặc chính khách của nước mình bị nước khác theo dõi qua phần mềm Pegasus. Quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia liên quan chắc chắn sẽ “căng như dây đàn”.
Phát minh ra những công cụ để theo dõi tội phạm là điều cần thiết để làm cho xã hội an toàn hơn. Nhưng bao loại vũ khí hiện có, nếu để những công cụ này rơi vào tay kẻ xấu hay được sử dụng sai mục đích thì hậu quả sẽ khôn lường.
Tuy vậy, thực tế là “ngựa thần” Pegasus vẫn rong ruổi đâu đó và biết đâu nó đang ở chính trong điện thoại của chúng ta mà chúng ta vẫn chưa biết.
Thanh Huyền