Tạp chí Người cao tuổi số 71, ra ngày 9-4-2021 ở trang 5, có bài “Huyền thoại về người phụ nữ dân tộc Tày - Đàm Thị Loan” (1 trong 3 nữ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Một trong 2 người kéo cờ ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Đội trưởng Đội nữ du kích Hoàng Diệu; người lập ra bản luật mật mã đầu tiên của quân đội ta và là bạn đời của Đại tướng Hoàng Văn Thái) của tác giả Lê Hồng Thiện.

Bài báo đề cập đến nhiều sự kiện lịch sử. Phần Đàm Thị Loan là 1 trong 3 nữ Đội VNTTGPQ như sau: “Ngày 16-12-1944, Đàm Thị Loan nhận được giấy triệu tập khẩn cấp của đồng chí Văn về khu Hoàng Hoa Thám để dự lễ thành lập Đội VNTTGPQ ngày 22-12-1944. Cả Đội có 34 người, trong đó có 3 nữ. Sau Lễ tuyên thệ dưới tán cây đa Tân Trào, toàn Đội bày tỏ quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược” (giữa cột 2).

Không hiểu tác giả đã dựa vào đâu, để viết những dòng này? Trong khi cuốn sách "60 năm QĐND Việt Nam" do Viện Lịch sử quân sự - BQP biên soạn, xuất bản năm 2004 và cuốn sách “VNTTGPQ - nhớ lại buổi khởi đầu” (do Ban Liên lạc Đội VNTTGPQ biên soạn, Nhà xuất bản QĐND xuất bản năm 1994) có ghi: Đội VNTTGPQ ra đời tại khu rừng ở giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng… Còn cây đa Tân Trào lại ở trong chiến khu Tân Trào, cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía đông, thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, ngày 16-8-1945 diễn ra Đại hội Quốc dân và lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi quân và dân cả nước "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa". Nói Đội VNTTGPQ tuyên thệ dưới tán cây đa Tân Trào là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Sự nhầm lẫn tệ hại này còn được lặp lại trong đoạn miêu tả mối tình chớm nở giữa Đàm Thị Loan và Hoàng Văn Thái: “…Rồi từ khi về Tân Trào, thành lập Đội VNTTGPQ, hai người cùng đơn vị, có điều kiện gần gũi nhau hơn” (cột 4. dòng 24 từ dưới lên).

Đội VNTTGPQ là đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, toàn là nam. Lễ thành lập được tổ chức lúc 17 giờ ngày 22-12-1944, chỉ có 34 cán bộ, đội viên nam đứng dự Lễ tuyên thệ. Vì buổi lễ diễn ra cuối chiều đông, lại ở trong rừng âm u, nên mọi người không nhìn rõ mặt tất cả 34 chiến sĩ. Đó cũng chính là lý do khiến sau này Ban Liên lạc VNTTGPQ, trong đó có Đại tá Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn) - Ủy viên Thường trực BLL, đã mất gần 3 năm tìm kiếm, xác minh thông tin. Qua 3 cuộc họp và hội thảo tại Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, cuối cùng thống nhất: Số người tham dự buổi lễ có tới gần 100 người, nhưng chủ yếu là đứng xung quanh, chỉ có 34 chiến sĩ nam đứng giữa, dự Lễ tuyên thệ. Tháng 11-1994, Trưởng ban Liên lạc Đàm Quang Trung báo cáo danh sách 34 cán bộ, đội viên đầu tiên của Đội VNTTGPQ lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cơ quan chức năng. Ngày 2-11-1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký xác nhận bản danh sách này.

Vậy thì tuyệt nhiên không có chuyện Đàm Thị Loan là 1 trong 3 nữ đội viên Đội VNTTGPQ và cũng không thể có chuyện như tác giả kể: Cuối tháng 8-1945, khi Đội về Hà Nội  “Đi đến đâu, Đội cũng được nhân dân đón tiếp vui mừng nồng nhiệt. Đồng bào trầm trồ thán phục những nữ chiến sĩ Giải phóng quân. Đàm Thị Loan được cử ra nói chuyện với phụ nữ. Các bà, các chị, các em vây quanh Đàm Thị Loan, nghe bà nói chuyện cứ y như nghe cổ tích vậy, ai cũng muốn tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng” (cột 2, dòng 5 từ dưới lên).

Đó là chưa nói: Phần đầu bài báo tác giả kể: Đàm Thị Loan đứng trong hàng ngũ 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ, tuyên thệ “dưới tán cây đa Tân Trào”, nhưng phần cuối lại viết: “Từ một cô gái dân tộc Tày, theo Đoàn quân giải phóng về Hà Nội, Đàm Thị Loan làm Đội trưởng Đội nữ du kích Hoàng Diệu. Rồi tham gia BCH Hội Phụ nữ Việt Nam”. Thật thiếu lô-gic. Mà làm gì có Đội nữ du kích Hoàng Diệu. Trong Cách mạng Tháng Tám - 1945, ở Hà Nội chỉ có Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Còn chuyện Đàm Thị Loan là người lập ra bản luật mật mã đầu tiên của quân đội ta, thì không thấy có bất cứ một tài liệu lịch sử nào ghi như vậy. Chỉ thấy trong tư liệu viết: Ngày 12-9-1945, thành lập tổ chức mật mã đầu tiên thuộc Bộ Tổng Tham mưu và những người đứng đầu tổ chức này qua các thời kỳ.

Để độc giả có thêm cơ sở nhận xét, đánh giá tính chân thực của sự kiện mà tác giả Lê Hồng Thiện nêu trên,  xin trích ra một số tư liệu nói về mật mã:

Khái niệm: Mật mã đã trở thành một môn “Mật mã học”. Là một ngành có lịch sử từ hàng nghìn năm nay. Lịch sử mật mã học chính là lịch sử của những phương pháp mật mã học cổ điển. Sự phát triển của mật mã học luôn đi kèm với sự phát triển của kỹ thuật phá mã. Mật mã là những quy ước riêng được sử dụng để thay đổi hình thức biểu hiện, diễn đạt thông tin, nhằm đảm bảo tính bí mật, xác thực và toàn vẹn nội dung thông tin. Để làm được điều đó còn phải có “nghiệp vụ mật mã” và “kỹ thuật mật mã”, hai nội dung chính của hoạt động cơ yếu.

Mật mã là thế! Vậy mà theo tác giả bài báo: Đàm Thị Loan, một cô gái nông thôn, dân tộc Tày, ở vào thời điểm 1946 mới 20 tuổi, học hết bậc tiểu học mà đã lập ra được bản luật mật mã đầu tiên của nước ta, thì chỉ có thể là nhà báo tưởng tượng ra!

Qua 5 sự kiện và cũng là nội dung chính của bài báo, chỉ có sự kiện thứ 2 “Một trong hai người kéo cờ ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945” và sự kiện thứ 5 “Là bạn đời của Đại tướng Hoàng Văn Thái” là chính xác. Ba sự kiện còn lại, như trên đã phân tích, hoàn toàn thiếu căn cứ, không đúng sự thật lịch sử.

Nói đến công việc làm báo, viết báo nói chung, đã phải nghĩ ngay đến tiêu chí trung thực, chính xác. Đặc biệt, viết về những nhân vật, sự kiện lịch sử (nhất là những sự kiện quan trọng như thành lập Đội VNTTGPQ) lại càng phải thận trọng, tìm hiểu, tra cứu, đối chiếu tư liệu, xác minh thông tin, làm sao sự việc phải chính xác, con người phải chân thực, không tô vẽ một cách chủ quan, tùy tiện. Nếu không, dù Tòa soạn có đơn giản, dễ dãi để lên mặt báo thì bài báo đó cũng vẫn chỉ là những sản phẩm (văn hóa) kém chất lượng, nếu không nói là xuyên tạc lịch sử.

  Thái Hà