Chính văn hóa lịch sử lâu đời của Việt Nam hàng nghìn năm tạo ra cho thế giới nói chung và các chuyên gia nghiên cứu của UNESCO nói riêng sự hấp dẫn, nên trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận.
Bà Bokova nói rằng trong khi cả thế giới đang đầu tư, suy nghĩ đến những giá trị văn hóa vật thể, có thể là những giá trị văn hóa ở những di sản mang tính hiện đại, thì Việt Nam lại đầu tư và có nhiều thể loại di sản phi vật thể được thế giới rất ngưỡng mộ.
"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ" được UNESCO công nhận là một ví dụ, được cá nhân bà Bokova và tập thể các chuyên gia của UNESCO đánh giá cao.
Trước đó, cũng trong chiều 15/4, tại phiên họp toàn thể Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 191 đang diễn ra tại Paris, Pháp, đại diện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ những nỗ lực cải cách của UNESCO nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vị thế, vai trò của tổ chức này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, dự thảo Chiến lược trung hạn 2014-2021 37 C/4 và dự thảo Chương trình, Ngân sách 2014-2017 37C/5, là những nội dung chính thảo luận tại kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần này; việc gắn với các cuộc tham vấn các ủy ban quốc gia có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 của Liên hợp quốc đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của UNESCO.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam hoan nghênh UNESCO dành ưu tiên cao cho Giáo dục cho mọi người (EFA).
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ sáng kiến “Giáo dục đầu tiên” do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra và vai trò đầu tàu của UNESCO trong việc triển khai sáng kiến trên.
“Giáo dục đầu tiên” là sự đóng góp quan trọng để triển khai hiệu quả EFA, Giáo dục vì Phát triển bền vững (ESD). Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc triển khai EFA, ESD và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia khác.
Ngoài ra, Việt Nam hoan nghênh và cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào việc ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác giữa ASEAN và UNESCO. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Cộng đồng ASEAN cũng như quan hệ song phương giữa UNESCO với từng nước thành viên trong cộng đồng.
Với tư cách Việt Nam là Chủ tịch đương nhiệm Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) và thay mặt các thành viên ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã thông báo kết quả chính Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC 47) được tổ chức tại Việt Nam từ 19-21/3 vừa qua.
Hội đồng chấp hành là một trong ba cơ quan chính của UNESCO (Đại hội đồng, Hội đồng chấp hành, Ban thư ký), bao gồm 58 thành viên, là cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, bàn thảo về vấn đề ngân sách của UNESCO. Các thành viên Hội đồng chấp hành được Đại hội đồng bầu với nhiệm kỳ 4 năm, và Việt Nam là thành viên Hội đồng này nhiệm kỳ 2009-2013. Kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 191 diễn ra từ ngày 10-26/4.
Theo Vietnam+
(TH)