Sau 9 năm nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc và công tác tại Xí nghiệp Công trình Yên Thế, CCB Đỗ Văn Thái về nghỉ theo chế độ 176 tại thôn Đền Quynh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Quyết tâm khởi nghiệp làm kinh tế bằng mô hình vườn rừng, anh tập trung vốn liếng, vay thêm vốn ngân hàng 200 triệu đồng, mua 2,2ha đất đồi. Thời gian đầu, anh trồng 700 cây vải, kết hợp mua ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng và nhận thi công các công trình dân sinh. Dần dần cây vải cho hiệu quả thấp, năm 2010, anh chuyển đổi sang trồng hơn 2.000 gốc bạch đàn, hơn 100 cây xà cừ, nuôi hươu, dê, lợn rừng và gà đồi. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệp trồng rừng, chăn nuôi, nay số cây bạch đàn đã 3 lần cho thu hoạch, mỗi lần được hơn 100 triệu đồng. Bình quân mỗi năm anh nuôi 12 con hươu (mỗi con cho 1 cặp nhung), hàng trăm con dê, lợn rừng và hàng nghìn con gà mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, thu về trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng 400 cây ăn quả các loại, như nhãn, xoài, mít, sấu, ổi... và trên hơn 1.000 gốc chuối thu hoạch quả và làm thức ăn cho hươu, lợn rừng...
Mô hình kinh tế vườn rừng của CCB Đỗ Văn Thái trở thành điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm của Hội CCB xã và huyện. Anh sẵn sàng giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn như tạo việc làm, hỗ trợ giống, vốn sản xuất kinh doanh. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình anh tự nguyện hiến 265m2 đất mở rộng đường giao thông; ủng hộ 155 ngày công và vật liệu xây dựng làm đường trị giá gần 50 triệu đồng; hỗ trợ các thôn, nhà trường cát, sỏi để xây dựng trường học và các công trình phúc lợi trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh được Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Thanh Xuân