Chàng cho biết, cha nàng đang chuẩn bị đưa số chiến sĩ cuối cùng qua sông thì ông bị ngã trẹo chân. Chàng đặt cha nàng trên chiếc chõng tre, mặt ông nhăn nhúm vì đau đớn. Mẹ nàng và nàng cuống cả lên. Còn chàng bình tĩnh bảo người đồng đội nãy giờ vẫn đi theo chàng ra hái một ít ngải cứu ở đầu ngõ, nơi chàng đã trông thấy khi chàng cõng cha nàng đi qua, rồi chàng bảo nàng lấy cho chàng cái soong nhôm và một ít muối. Chàng rửa ngải cứu, sao nóng với muối và đắp lên chỗ đau của cha nàng. Chỉ ít phút sau mặt ông giãn ra và giục nàng thay ông đưa tốp chiến sĩ còn lại qua sông. Mẹ nàng rối rít khen chàng, nhưng chàng chỉ cười và bảo ở quê chàng người già trẻ nhỏ, ai cũng biết cách chữa này. Trước khi đi, chàng còn hướng dẫn cặn kẽ để tối nay nàng thay ngải cứu cho cha.

Khi thuyền của nàng cặp bến, đợi mọi người lên hết, chàng một chân vẫn còn đặt trên mũi thuyễn quay đầu lại nói với nàng, giọng đặc sệt tiếng xứ Thanh:

  • Hẹn gặp lại sau ba năm nữa! – Rồi chàng nở một nụ cười rất tươi và vội vàng chạy theo đoàn quân.

Nụ cười của chàng làm rung động trái tim nàng - một người con gái vừa hết tuổi trăng rằm. Còn lời hẹn của chàng, có thể chỉ là một câu chào tạm biệt thông thường, nhưng đã gieo vào lòng nàng một niềm hy vọng khôn nguôi.

Nụ cười và lời hẹn đó ám ảnh nàng suốt bốn năm nay, ngay cả trong giấc ngủ nó cũng thường hiện lên để rồi sau đó nàng thao thức hàng tiếng đồng hồ. Vài năm gần đây, người ta thấy nàng ngày ngày xuất hiện nhiều hơn ở bên sông, lúc gánh nước, lúc giặt giũ, tắm gội. Nhưng lần nào nàng cũng dành hàng phút đứng lặng, đưa mắt nhìn sang bờ nam ngóng trông.

Ngày tháng trôi đi như dòng sông lững lờ chảy qua trước mắt nàng, nhưng sự mong ngóng chàng vẫn mãi ở bên nàng như bến sông này đã tồn tại ở đây từ đời này qua đời khác. Nàng càng thêm hy vọng khi tình cờ gặp được người đồng đội của chàng hồi nào và anh cho nàng biết đã trông thấy chàng trong đoàn quân tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc.

Rồi một ngày cha đưa mẹ lên thị xã thăm anh cả, nàng thay cha đưa khách qua sông.

Từ bờ nam một tốp đông nam nữ quân nhân ồn ào lên thuyền. Trang phục của họ thật đẹp, trông rất giống một đám cưới bộ đội. Thuyền ra đến giữa sông, một người trong bọn họ lên tiếng:

  • Lúc nãy ngồi trên ô tô, cô dâu đã hát tặng mọi người bài “Anh người lái xe”. Bây giờ đến lượt chú rể đáp lại bằng bài “Qua sông”. Người nói ý nhị đưa mắt về phía nàng, nhưng nàng vội ngoảnh nhìn đi nơi khác.

Mọi người đều vỗ tay tán đồng. Riêng một người đứng giữa thuyền, chắc hẳn là chú rể, phản đối với giọng lơ lớ Nam Bộ:

  • Để lát nữa đến trại tôi sẽ hát.

  • Không được, anh bạn chớ có lôi thôi! Đến trại đã có tiết mục hai anh chị song ca bài “Trước ngày hội bắn” đúng không cô Hằng? - Người vừa lên tiếng lúc nãy, nói. Cô gái tên Hằng nhỏ nhẹ:

  • Vâng ạ.

Nàng thoáng thấy mặt cô gái đỏ bừng.

  • Thôi đành vậy! - Người được gọi là “chú rể” nói, rồi anh, cất tiếng hát, giọng anh vang lên trong trẻo giữa dòng sông nước xanh biêng biếc:

“Hò khoan chúng em khua mái chèo

Đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo…”

Giọng hát cuốn hút của anh làm lòng nàng xao xuyến. Nàng vừa chèo thuyền, vừa mường tượng đến đám cưới của nàng với chàng trong tương lai. Lúc đó chắc chắn trên thuyền chỉ có hai người. Chàng và nàng sẽ ngồi quay mặt vào nhau, thả cho thuyền trôi theo dòng nước. Nàng sẽ hát bài “Anh ở đầu sông, em cuối sông” và nàng sẽ buộc chàng hát bài “Anh đi tìm em”, mà không, phải là bài “Đón em qua sông”. Bỗng tiếng hát của chú rể cất cao làm ngắt quãng suy nghĩ của nàng. Chú rể vừa hát say sưa vừa đưa mắt dõi về phía trước, dọc theo bờ bắc. Giọng hát hay quá làm nàng cố rướn người lên để nhìn rõ mặt chú rể, nhưng những người đứng quanh anh che khuất tầm nhìn của nàng, làm nàng chỉ trông thấy tấm lưng vạm vỡ của anh nổi bật trong số họ.

Thuyền cập bến, chú rể đứng lại nhường mọi người lên bờ trước. Đến lượt anh, khi một chân vẫn còn đặt lên mũi thuyền, anh quay lại gật đầu chào nàng và nở một nụ cười thật tươi tắn. Nhưng nụ cười trên môi anh chợt tắt, thay vào đó là một giọng nói xứ Thanh khê đặc vì xúc động vang lên:

  • Có phải cô bé chở các anh sang sông ngày nào không?

Cùng lúc nàng nhận ra chàng. Nàng bỗng buông rơi mái chèo, ngực nàng như bị một quả bóng phồng hơi chẹn ngang. Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn ập đến: ấm ức, tủi hờn, thất vọng, đau đớn. Chàng ngoái lại nhìn, thấy đồng đội đã lên chiếc ô tô chờ sẵn, sốt ruột đợi mãi mà chẳng nghe được một lời nào từ nàng, chàng khẽ cất lời xin lỗi rồi chạy vội về phía chiếc xe như chàng đã từng chạy theo đoàn quân ngày nào.

Chiều hôm đó chàng quay lại tìm đến nhà nàng. Trông thấy nàng đang ngồi một mình ở đầu hiên, chàng nhẹ nhàng đến bên nàng. Chàng nhỏ nhẹ, không còn lơ lớ giọng Nam nữa:

  • Sáng nay em không nhận ra anh ư?

  • Không! - nàng trả lời và vẫn ngồi không nhúc nhích.

  • Anh là người đắp thuốc chữa chân cho cha em đây. Đã bốn năm rồi còn gì! - Chàng nói.

  • Đúng ra là đã bốn năm, bốn tháng, hai ngày! - Nàng buột miệng.

  • Ôi, sao em nhớ chính xác thế! - Chàng kinh ngạc kêu lên.

  • Chính xác hay không thì cũng chẳng liên quan gì đến anh! - Giọng nàng hậm hực, nhưng chính điều này càng làm chàng thêm xúc động và giúp chàng thêm tự tin. Chàng thổ lộ:

  • Hơn bốn năm nay lúc nào anh cũng nhớ đến em.

  • Anh chớ diễn kịch! Tôi có gì để anh phải nhớ?

  • Đôi mắt! - Chàng nói với giọng chắc nịch. - Em lớn lên nhiều và xinh đẹp quá! Nếu không nhờ đôi mắt của em thì sáng nay suýt nữa anh không nhận ra em.

  • Mắt tôi đã bị mù, sau lần đầu trông thấy anh. - Nàng cấm cẳn.

  • Sao em chua chát thế? - Chàng kêu lên - gần bốn năm trên đất bạn, lúc nào anh cũng nhớ đến em, nhớ đến đôi mắt bồ câu long lanh sâu thẳm mà lần đầu tiên trong đời anh bắt gặp. Anh đã có lần viết thư cho em, nhưng bị trả lại. Vừa rồi hỏi dân trong làng, anh mới biết, hóa ra trước đây, cái xóm nhỏ bên Bến Thượng không phải thuộc xã Trạch Lâm bên bờ bắc này mà thuộc xã Trạch Sơn bên bờ nam kia. Đầu năm nay anh trở về nước, rồi tháng trước đơn vị anh chuyển quân ra gần đây, lúc nào anh cũng chờ dịp trở lại Bến Thượng tìm em, mặc dù trong lòng anh luôn canh cánh nỗi lo, rằng em có thể đã đi lấy chồng.

  • Đúng thế, chồng tôi cũng là bộ đội! - Nàng dối chàng, nhưng chàng thản nhiên mỉm cười và đáp lại:

  • Anh vừa nói rồi, trước khi đến đây anh đã nghe dân trong làng kể rất nhiều về em. Họ còn cho anh biết nhà em chuyển từ Bến Thượng về Bến Hạ này chưa được mấy tháng thì cầu treo Bến Thượng mới bắc đã bị cơn đại lũ tháng trước cuốn mất.

Nàng đỏ bừng mặt, chống chế:

  • Nhưng dân làng chưa biết chúng tôi đã hẹn ngày cưới.

  • Cứ cho là thế. Có điều anh vẫn phân vân chồng sắp cưới của em có phải là người mà lúc còn ở Bến Thượng em vẫn thường ra đứng bên bờ sông ngóng về bờ nam trông chờ anh ta suốt bốn năm, bốn tháng và hai ngày không? - Chàng hỏi và lại mỉm cười đợi câu trả lời của nàng.

  • Đừng tưởng bở! - Nàng đáp và ngoảnh mặt đi, rồi nói tiếp: - Chồng sắp cưới của tôi là một người rất chung thủy.

  • Vậy là đúng anh rồi! “Người rất chung thủy” của em đây! - Chàng vỗ vào ngực mình và reo lên một cách tự tin. Nhưng nàng đột ngột quay phắt lại, mắt trừng trừng nhìn chàng:

  • Anh định diễn trò gì nữa đây? Hơn bốn năm trước tôi có thể “mù” khi “nhìn” thấy anh, nhưng sáng nay thì tôi không hề “điếc” khi nghe các anh đối đáp với nhau!

  • Ôi, thì ra em đã ghen! - Chàng phấn khởi thốt thành lời - em có biết không? Bọn anh là một tốp văn nghệ quần chúng của sư đoàn, vừa cùng nhau dựng xong vở kịch “Tàn mà không phế” để phục vụ trại thương binh gần đây. Anh đóng vai chú rể - một thương binh mù, còn cô y tá sư đoàn đóng vai cô dâu - một cô giáo làng tốt bụng. Vì toàn là dân mới bước lên sân khấu lần đầu, nên anh chị em trêu nhau cho vui, thế thôi!

Nàng đỏ bừng mặt, khẽ ngước nhìn anh như muốn hỏi:

  • Anh nói có thật không đấy?

Chàng nghiêm chỉnh đáp:

  • Thật như điều anh sắp nói ra đây: Em có thể dành một phần trái tim của em cho anh không?

  • Không!

Nàng đáp gọn lỏn làm chàng bị hững hụt. Chàng trở nên bối rối và rụt rè hỏi lại:

  • Tại sao?

Nàng chỉ chờ có vậy, rồi nhoẻn miệng cười và lần đầu tiên nàng thốt lên với chàng những lời êm ái:

  • Vì em đã dành không phải một phần mà cả trái tim cho người mà em đã mong đợi suốt bốn năm, bốn tháng và hai ngày!

Chàng xúc động dang rộng cả hai tay và nàng từ từ ngả người vào vòng tay rắn rỏi của chàng.

Lưu Trọng Hồng

Tạp văn: Kẻ chế tạo dư luận

"Dân gian có câu đại ý, được cũng đừng lấy làm mừng, mất cũng đừng lấy làm phiền. Bởi vì nghĩ cho cùng, trong cái mất có cái được, trong cái được xem ra cũng có cái mất. Đó là qui luật tự nhiên của tự nhiên và xã hội, đằng sau nó bao giờ cũng chứa đựng các yếu tố thuận nghịch, sự vận động chuyển hoá".

Bạn tôi được giao một chức quan nhỏ, cấp trưởng phòng, nhưng vào loại trưởng phòng có thế lực, có ảnh hưởng đến nhiều mặt công việc của cơ quan, khi tuổi đã bốn lăm. Ông làm việc cật lực, có nhiều sáng kiến. Vì thế công việc chạy, hiệu quả rõ. Được cấp trên chú ý đến, ông bắt đầu nổi tiếng. Trong "chiến lược" nhân sự nghe đâu ông được dự kiến đưa vào danh sách ứng cử viên cấp cục. Nghe phả pheo thế chứ đã mấy ai mục sở thị. Hơn nữa mọi thứ xếp sắp đề bạt đều phải chờ sau đại hội đảng bộ.

Rồi đại hội đảng bộ, mọi thứ dường như đều diễn ra đúng như những lời đồn đại. Trước buổi diễn ra cuộc bầu cử, đột nhiên có một vị đại biểu lên diễn đàn, tố cáo ông mạo danh để làm điều hại đến lợi ích của đơn vị, của người khác. Ông sững người ngạc nhiên. Người tố cáo lấy tuổi tác, lấy danh dự đảng viên để bảo đảm cho lời nói của mình, vì thế đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Thế là ông không trúng đảng uỷ, lẽ dĩ nhiên việc đề bạt cũng “đi tong”. Ông viết đơn yêu cầu xác minh những lời tố cáo tại đại hội đảng và tuyên bố giữ quyền kiện lại kẻ kia về tội vu cáo. Việc xác minh hết sức khó khăn. Sáu tháng sau, ban kiểm tra mới có kết luận, điều tố cáo của vị đáng kính kia là không có căn cứ. Mọi thứ đều đã qua rồi và cho qua luôn. Ông cũng cho qua luôn cái ý định kiện kẻ vu cáo.

Dạo đó ông tỏ ra rất buồn. Ông không hiểu nổi, tại sao kẻ kia lại vu cáo mình? Tại sao mọi người lại tin vào những điều vu cáo? Ông tự an ủi mình bằng lý lẽ mà tôi đã kể lúc đầu.

Nghiền ngẫm câu chuyện của ông, tôi mới hiểu rằng, trong xã hội tồn tại một loại người, nói theo ngôn ngữ của các cụ ngày xưa, đó là loại "tiểu nhân". Loại người đó có phẩm cách thấp kém, hiện diện ở mọi thời, mọi lúc, trong mọi lớp người, đến bây giờ hình như nó đã trở thành một hiện tượng xã hội. Dân gian vẫn nói, tiểu nhân đắc chí. Than ôi, bây giờ tiểu nhân đắc chí hơi nhiều.

Tôi để công tra cứu, những điều sau đây xin nêu lên để mọi người tham khảo.

Bọn tiểu nhân thường hoạt động vào lúc nào? Đó là vào những lúc giao thời, vào lúc có những xáo trộn hoặc sắp xáo trộn, vào lúc tranh tối tranh sáng. Anh bảo bọn tiểu nhân cũng là bọn cơ hội à? Không hẳn thế, mặc dù chúng có những cái giống nhau. Bọn tiểu nhân thấp hơn bọn cơ hội một bậc. Bọn tiểu nhân như những kẻ phá bĩnh, những kẻ đâm thuê chém mướn. Thủ đoạn của chúng là dựng sự việc, chế tạo dư luận, vu cáo bôi xấu, gây hoài nghi, gây mất uy tín, thậm chí viết đơn tố cáo, viết bài cho báo, nghĩa là không từ bất cứ một thủ đoạn gì, miễn là đạt được mục đích của chúng, chẳng hạn như muốn hạ bệ một người nào đó. Không thể không thừa nhận, bọn người trên giỏi lợi dụng thời cơ, lợi dụng sự phức tạp của xã hội, lợi dụng tâm lý hiếu kì của mọi người đối với những sự việc xấu, những sự việc tiêu cực để cho nổ cái gọi là những "quả bom", cốt đạt được mục đích, còn sau đó thế nào, hậu quả ra sao... mặc!

Những kẻ này rất biết lợi dụng tâm lý ngại rách việc của lãnh đạo. Lãnh đạo thấy có "tố cáo", thấy có dư luận thường không hoặc gần như không hoài nghi, không đặt ra câu hỏi những kẻ tố cáo là người thế nào, sự thật có đúng như vậy không? Đôi khi còn vô lý đến mức, sau khi kiểm tra thấy không có vấn đề gì vẫn quở trách người tốt: "Tại sao lại dây với bọn ấy? "

Người tốt chiếm số đông, nhưng ngại dây với bọn tiểu nhân. Không hiểu vì lý do gì người tốt thường không biết tận dụng sự đúng đắn của mình. Chẳng biết có phải do người tốt bao giờ cũng chú ý đến phẩm cách, đến nhân cách, luôn đặt mình trong sự ràng buộc của kỷ cương xã hội và cũng luôn tự ràng buộc mình không? Còn những kẻ tiểu nhân thì sao? Họ có thể nói những lời dối trá, những lời vu cáo mà không ngượng miệng. Họ không nói đến chuyện nhân cách, lại càng chẳng chịu một sự ràng buộc nào. Cho đến nay, luật pháp chưa thấy xử mấy vụ vu cáo, dư luận xã hội và công luận hầu như làm ngơ, lãnh đạo thì ngại đối đầu ồn ĩ. Thành thử, trong một tập thể, trong một xã hội người tốt làm chủ mà những kẻ tiểu nhân lại được hưởng một sự ưu đãi đặc biệt. Bất công lắm thay!

Lưu Trọng Hồng