Đại biểu tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp VietGAP của nông dân Thới Hưng.
Thực hiện Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 –2025”; chiều ngày 14/9/2023, Thiếu tướng Trần Đình Hướng – Ủy viên BTV Trung ương Hội CCB Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam – Trưởng đoàn, phối hợp với Hội CCB TP. Cần Thơ về tham quan mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.
Theo báo cáo của xã Thới Hưng, sau khi về đích NTM nâng cao cuối năm 2020, diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng chuyển biến rõ nét. Nổi bật, hệ thống cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện; xã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hình thành các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.
Hiện, xã có 6 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có một số hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP có bao tiêu đầu ra sản phẩm như Hợp tác xã nông nghiệp Lộc Hưng, Hợp tác xã Thái Thanh… và có 2 sản phẩm được công nhận chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP đạt 4 sao gồm trà mãng cầu Cường Tím và trà mãng cầu Kim Nhiên. Riêng HTX nông nghiệp Lộc Hưng, nhờ tăng cường áp dụng công nghệ, sản xuất theo quy trình VietGAP, nên thuận lợi trong việc tiêu thụ và bán được với giá, cao hơn từ 2.000 – 5.000 đồng/kg so với thị trường nhờ chất lượng, trọng lượng trái đạt độ đồng đều cao. HTX hiện có 19 thành viên, với tổng diện tích 47ha, trong đó có 30,5ha xoài được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Tiếp tục hành trình, xã Thới Hưng phát động phong trào toàn dân xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: Thời gian qua, xã mạnh dạn thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, hoạt động sản xuất của người dân giờ đây được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 như cày, xới bằng tia laser; phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái, từ đó góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Cùng đó, quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp; tổ chức lại sản xuất trên cơ sở hỗ trợ hợp tác xã làm ăn hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị và công nhận VietGAP; thu nhập bình quân đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Thới Hưng, phấn đấu đến cuối năm 2023, đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu” – ông Nhiệm chia sẻ.
Tiếp tục hành trình đoàn đến tham quan cơ sở sản xuất trà mãng cầu sản phẩm đạt OCOP 4 sao, tại cơ sở đoàn tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất trà mãng cầu, từ thu hoạch đến chế biến, đóng gói... có ứng dụng công nghệ 4.0.
Qua quá trình nghiên cứu sản xuất, Công ty chế biến nông sản Trà mãng cầu Kim Nhiên (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) đã phát triển được sản phẩm Trà từ trái mãng cầu mang hương vị đặc trưng, có vị ngọt thanh đậm đà, hấp dẫn, chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe con người. Mỗi tháng Công tysản xuất ra 5 tấn trà mãng cầu và được tiêu thụ ở kênh trong nước lẫn xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty chế biến nông sản Trà mãng cầu Kim Nhiên nhận định tiêu thụ qua các điểm du lịch rất tiềm năng mà công ty đang hướng đến bởi ngành du lịch rất đặc thù và có thể đưa sản phẩm OCOP vươn xa. Thời gian qua sản phẩm Trà mãng cầu Kim Nhiên đã có mặt tại các cửa hàng đặc sản khách sạn Mường Thanh, Làng du lịch Mỹ Khánh, Khu du lịch Ông Đề...
“Nếu chúng ta bán sản phẩm ở cửa hàng siêu thị thì sản phẩm được tiêu thụ chỉ trong phạm vi nhất định. Nếu sản phẩm OCOP được bán ở các điểm du lịch sẽ có cơ hội đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, thậm chí xuất khẩu. Khách du lịch sẽ đem sản phẩm OCOP đi xa hơn, có thể không mua tại thời điểm đi du lịch nhưng sau khi về sẽ kết nối thông tin để đặt hàng và có khi trở thành đại lý nhập sản phẩm về kinh doanh” – bà Nhiên chia sẻ.
Thiếu tướng Trần Đình Hướng thay mặt đoàn tham quan cám ơn Hội CCB TP. Cần Thơ; Huyện ủy, UBND huyện Cờ Đỏ; Đảng ủy, UBND xã Thới Hưng đã tận tình tiếp đón, giới thiệu cho Đoàn những mô hình XDNTM kiểu mẫu của xã rất thiết thực và hiệu quả. Trong đó, nổi bật là mô hình ấp thông minh và lĩnh vực nổi trội nhất của địa phương để chọn ra làm mẫu. Trên cơ sở đó, xã đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng sẵn có, phát huy lợi thế, tạo bước đột phá về phát triển nông nghiệp dịch vụ, du lịch, góp phần chuyển biến mạnh về cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu.
Phương Nghi