Trụ sở Liên minh châu Phi được Trung Quốc xây dựng ở Thủ đô Addis Ababa, Ethiopia.
Những ngày đầu tháng 9-2024, tại Bắc Kinh đã diễn ra một sự kiện ngoại giao có quy mô lớn nhất và nhiều lãnh đạo nước ngoài tham dự nhất được Trung Quốc tổ chức trong những năm gần đây, đó là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2024 (FOCAC 2024). Tại hội nghị, trước hơn 50 nhà lãnh đạo châu Phi cùng TTK Liên Hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận cam kết cung cấp trên 50 tỷ USD dưới dạng tín dụng và đầu tư dùng cho 30 dự án cơ sở hạ tầng và 30 dự án năng lượng sạch ở các nước châu Phi. Sự kiện này một lần nữa phản ánh kỳ vọng chung của châu Phi vào Trung Quốc đối với quá trình phát triển hiện đại hóa, đồng thời cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với “Lục địa đen” trong bối cảnh Mỹ đang thụt lùi ở đây.
Trong hơn 20 năm trở lại đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng hiện diện ở châu Phi, tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và phát triển châu lục nghèo nhất thế giới này. Các hoạt động chủ yếu gồm cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, do các công ty của Trung Quốc thiết kế và xây dựng với nguồn lực từ các công ty năng lượng và khai mỏ của Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hơn 6.000km đường sắt, 6.000km đường bộ, gần 20 cảng và hơn 80 cơ sở điện lớn ở châu Phi, hỗ trợ xây dựng hơn 130 bệnh viện và phòng khám, hơn 170 trường học, 45 sân vận động và nhà thi đấu và hơn 500 dự án nông nghiệp ở châu Phi. Các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 1/8 sản lượng công nghiệp của toàn châu lục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số do Trung Quốc xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với các nền tảng để người dân châu Phi kết nối và liên lạc với nhau.
Lao động người Trung Quốc hiện có mặt ở hầu hết các nước, các vùng lãnh thổ châu Phi. Từ miền Nam đến các vùng lãnh thổ phía Bắc, từ Tây Phi đến Đông Phi, từ những nước giàu tài nguyên đến những nước nghèo hoặc cả những nước đang có nội chiến, xung đột trầm trọng.., có thể nói, không có mảnh đất châu Phi nào không có dấu chân người Trung Quốc. Người Trung Quốc có mặt ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Họ làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò, các khu buôn bán thương mại, tại các công trình xây dựng, trên các cánh đồng, thậm chí là sửa chữa đường sá, cầu cống, nhiều nhất là các ngành khai thác dầu mỏ, xây dựng. Trung Quốc còn thuê hoặc mua đất, đưa nông dân Trung Quốc sang sinh sống, khai thác đất đai và canh tác nông nghiệp. Tại đây, họ xây dựng các hệ thống tưới tiêu, kênh rạch; xây dựng, quản lí các nông trại lớn, điều hành và bảo quản các thiết bị nông nghiệp; dạy tiếng Hoa trong các trường học… Các doanh nghiệp Trung Quốc thường được Nhà nước hỗ trợ mua hàng hóa của châu Phi với giá cao hơn giá thị trường. Nhờ sự hỗ trợ này mà các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao mà các doanh nghiệp nước ngoài khác không thể.
Đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với khoảng 270 tỷ USD, gấp 4 lần thương mại Mỹ - châu Phi. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất - gấp đôi đầu tư của Mỹ. Năm 2023, tổng mức đầu tư theo cam kết của Trung Quốc vào châu Phi đạt 21,7 tỷ USD, khiến nước này trở thành quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất trong khu vực.
Cùng với đó, Trung Quốc còn tăng cường hợp tác quân sự - an ninh với châu Phi; châu lục này đã trở thành vị trí ưu tiên thứ hai của Trung Quốc (chỉ sau Đông Nam Á) về số lượng các cuộc họp quân sự cấp cao. Quân đội Trung Quốc tham gia nhiều cuộc diễn tập với quân đội các nước châu Phi, kể cả diễn tập chống khủng bố. Hàng trăm chỉ huy cấp cao quân đội các nước châu Phi đã được đào tạo tại các cơ sở của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai (sau Nga) cho châu Phi - không chỉ các loại vũ khí nhỏ như trước đây mà nay bao gồm máy bay không người lái, xe tăng, xe bọc thép... Ngay tại hội nghị FOCAC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố dành 1 tỷ NDT (140,5 triệu USD) viện trợ quân sự và đào tạo cho 6.000 quân nhân và 1.000 sĩ quan cảnh sát các nước châu Phi.
Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến Tái thiết thế giới (B3W), đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tăng cường can dự vào châu Phi của Mỹ bị giới hạn do chính sách đối ngoại toàn cầu của Mỹ đang mắc phải “hội chứng thái quá”, và mối quan tâm nhất thời của Mỹ ở châu Phi chính là một trong những triệu chứng của hội chứng này. Các hoạt động ngoại giao của Mỹ thường tập trung mạnh hơn vào những khu vực khác trên thế giới, như Trung Đông hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, cuộc khủng hoảng Ukraine đang buộc Washington “xoay trục” sang châu Âu, dành sự chú ý hơn đối với châu Âu, vượt xa sự chú ý mà nước này dành cho châu Phi.
Thứ hai, Mỹ được coi là ít thể hiện thiện chí với châu Phi. Như trong đại dịch Covid-19, Mỹ không những không cung cấp đủ vắc-xin cho châu Phi mà còn từ chối từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin, trong khi Trung Quốc lại nhanh chóng cung cấp và công khai hỗ trợ vắc-xin cũng như thiết bị y tế. Cuối cùng, dù Mỹ đã chi hàng tỷ USD vào các hoạt động “chống khủng bố” và chống các lực lượng phiến quân chống chính phủ ở châu Phi, thế nhưng, sự “hỗ trợ” này không giúp châu lục phát triển về kinh tế hay ổn định về chính trị, ngược lại, là sự hỗn độn và bạo lực cực đoan. Chính vì vậy, nhiều nước châu Phi đã chấm dứt hợp tác quân sự với Pháp; thay vào đó, họ chọn Nga và Trung Quốc.
Như đánh giá của Viện Tư vấn Hudson (Mỹ): “Trung Quốc đang thành công ở châu Phi là do họ đã biết lắng nghe quan điểm cũng như lợi ích của châu lục này - vốn không phải là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nước phương Tây”.
Đăng Song